Cuối trời mây trắng

Ngày vợ chồng chị kề tôi quyết định sửa lại nhà trên, tôi nghe anh trai nói: “Hồi nào, anh về quê chụp lại mấy bức ảnh nhà cũ để làm kỷ niệm”. Nhưng sau đó, chắc do bận bịu việc nhà, việc cơ quan, anh tôi không kịp về quê để chụp hình lưu lại căn nhà thuở thiếu thời của mấy anh em.

Hôm vợ chồng chị tôi cùng mấy người thợ đập dỡ nhà, má tôi khi đó đã ngoài bảy mươi đi từng bước chậm rãi, sờ tay trên tường nhà cũ, sờ mấy cây cột nhà bị mối mọt gặm nhấm, nở nụ cười hiền nói với chị tôi mà chừng như nói với chính má: “Căn nhà này cũng đã mấy mươi năm!”.

Sau ngày giải phóng, gia đình đi tản cư về. Căn nhà ông bà nội tôi bị bom giặc tàn phá chỉ còn trơ lại nền nhà cũ; xung quanh cây cối, cỏ dại mọc phả đầu người, mờ mịt lối đi. Ba má tôi đã lặn lội trong mưa nắng với hai bàn tay trắng, ngày đêm khai hoang bới đất lật cỏ, cày sâu cuốc bẫm nuôi sáu đứa con nhỏ lóc chóc như trái bầu, trái bí của mình. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, ba tôi chặc lưỡi: “Hồi đó, cực khổ, gian lao lắm con ơi, nói sao cho thấu!”.

Ban đầu là nhà tranh vách đất, kế đến là nhà tường vôi mái lợp tranh, rồi chắt chiu, dành dụm ba má tôi cũng xây được căn nhà ngói. Căn nhà đó, ba má tôi xây năm 1979, là một trong những căn nhà ngói đầu tiên trong xóm. Hồi nhỏ, mỗi khi ngước nhìn tấm bảng ghi dấu mốc thời gian 1979 phía trên hàng ba bên cạnh đôi chim câu bay về tổ ấm, trong lòng tôi không khỏi tự hào về sự giỏi giang của ba má mình. Trong cái xóm nhỏ bình lặng chưa đến chục nóc nhà hồi ấy, ba má tôi luôn được chòm xóm nhắc đến với hình ảnh chuyên cần một nắng hai sương trên mảnh vườn thửa ruộng, dốc lòng tìm chữ cho con.

Những năm ngồi ở giảng đường đại học, mỗi lần nhớ má, nhớ quê, tâm trí tôi luôn hiện lên hình ảnh đôi tay gầy lạnh cóng của má hơ bên bếp lửa trong chiều đông, sau khi má lặn lội cấy lúa đẫm mình trong mưa gió xập xoài. Nhớ những trưa tròn bóng, ba má cặm cụi cuốc cỏ mía, cỏ sắn, trỉa đỗ trên cánh đồng chang chang nắng. Nhớ một chiều cuối năm nào đó, ngồi nhổ mấy giồng khoai trong vườn nhà, má căn dặn: “Ở nhà, trong mấy chị em gái chỉ có con được học hành đến nơi đến chốn, sau này nhớ giúp các chị nghen con…”. Tôi biết lòng má đau khi lặn lội qua bao năm tháng khó nhọc vẫn không thể lo hết cho các con mình chữ nghĩa vẹn tròn.

Năm tháng đi qua, cuộc sống gia đình tôi không còn khó khăn như trước. Sáu anh chị em tôi lớn lên lập gia đình ra riêng cũng là lúc ba má tôi bước sang tuổi xế chiều. Hơn 30 năm xây cất, căn nhà ở quê xuống cấp, vợ chồng chị Tám sống cùng ba má tôi quyết định xây lại nhà mới. Anh chị còn trẻ nên chuộng kiểu nhà hiện đại. Nền nhà xi măng được lót lại bằng gạch bông, tấm bảng ghi mốc thời gian xây nhà 1979 với hình đôi chim câu ở phía trước hàng ba theo kiểu nhà thập niên 1970 đã tháo dỡ. Cái sân lát gạch Bát Tràng được phả lại bằng xi măng. Khoảng sân rợp nắng ngày nào được che lại bằng mái tôn ở phía trên để mở rộng không gian sinh hoạt cho gia đình trong những lúc giỗ chạp... Đúng là nhà mới trông hiện đại, to đẹp hơn, nhưng tôi không nguôi thương nhớ căn nhà thuở ấu thơ êm đềm. Nhớ khoảnh sân lao xao nắng gió, hồi nhỏ tôi thường nhìn bóng nắng in trên mái hiên để canh giờ má đi chợ về. Nhớ chiều chiều, bắc ghế ra hàng ba học bài, lâu lâu tôi lại ngước nhìn lên vòm trời cao rộng trên đầu, mường tượng ra hình ảnh cô Tiên, ông Bụt cùng các con vật ngộ nghĩnh ẩn hiện sau những đám mây trắng bồng bềnh trên nền trời xanh thẳm. Trong khoảng sân thần tiên của tuổi thơ tôi, má tôi lúc nào cũng hiện ra tất bật phơi đổ, đập mè, giê lúa…, mồ hôi ướt đầm lưng áo, không có phút nào thảnh thơi.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, ba má tôi mỗi ngày một già. Anh chị em tôi sống mỗi người mỗi nơi, ai cũng bận bịu công việc, gia đình, con cái, những chuyến về thăm nhà không nhiều như trước...

Đã gần 10 năm má tôi rời cõi tạm, vậy mà mỗi lần về quê, vừa đặt chân lên bậc thềm nhà, tôi như chạm vào nụ cười ấm áp của má, chạm vào đôi tay rám nắng chai sần, ẩn hiện hình ảnh của má đứng dưới hiên nhà tựa cửa đợi chờ các con trở về khiến tim tôi se thắt.

Năm nào 28 tết - vào ngày giỗ ngoại, tôi cũng tranh thủ về quê thắp nén hương tưởng nhớ ngoại và cùng các chị đi thăm mộ phần của má. Ở đó, chị em tôi quét sạch “thềm nhà”, đặt chậu vạn thọ, rửa cốc nước, bày dĩa trái cây, bánh ngọt, thắp hương mời má về nhà đón tết cùng ba và đám con cháu. Trong làn khói hương nghi ngút cuối năm, tôi tin ở nơi cao xanh ấy, má tôi đã đoàn viên với ngoại và hình dung ra nụ cười ấm áp của má. Nụ cười ấy hòa vào đất đai cây cỏ mưa nắng quê nhà và tan vào nơi cuối trời mây trắng.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270377/cuoi-troi-may-trang.html