Cuối tuần food tour chợ San Thàng

Cuối tuần đến Lai Châu, du khách đừng bỏ qua phiên chợ San Thàng, cách thành phố Lai Châu chừng 5km, trên quốc lộ 4D, nơi hội tụ những sắc mầu văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, Giáy, Lự. 1 lần đến để rồi nhớ mãi bởi sắc màu, âm thanh và thế giới ẩm thực vô cùng phong phú nơi đây.

Chợ San Thàng nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa dân tộc ở Lai Châu. Nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các mặt hàng nông sản do bà con trồng, chăn nuôi.

Chợ San Thàng nơi hội tụ nhiều sắc màu văn hóa dân tộc ở Lai Châu. Nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi các mặt hàng nông sản do bà con trồng, chăn nuôi.

Thế giới của các loại bánh truyền thống

Chợ họp vào sáng thứ 5 và sáng Chủ nhật hàng tuần, rất đông đúc, tấp nập, rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc vùng cao. Phiên chợ là sự hội tụ tất cả những gì tinh túy nhất của các bản làng được người dân mang đến chợ như lợn, gà, chó, các loại rau củ quả, nông cụ, quần áo thổ cẩm… và đặc biệt không biết cơ man nào là đồ ăn đặc trưng vùng miền. Nhiều người dân đi chợ nói rằng, phiên chợ San Thàng giống như phiên chợ bán các loại bánh của bà con dân tộc ở Lai Châu.

Chợ San Thàng nổi tiếng với nhiều loại bánh do chính người dân ở San Thàng làm. Mỗi món bánh chứa đựng tình cảm, văn hóa truyền thống và thói quen sinh hoạt của người dân.

Chợ San Thàng nổi tiếng với nhiều loại bánh do chính người dân ở San Thàng làm. Mỗi món bánh chứa đựng tình cảm, văn hóa truyền thống và thói quen sinh hoạt của người dân.

Đi từ đầu chợ cho đến cuối chợ, du khách không thể đi nhanh được bởi từng sạp hàng bán bánh, đồ ăn của bà con như mời gọi. Mùi thơm của các loại bánh thơm nức mũi du khách khiến cho bất kỳ ai dù khó tính cũng phải dừng lại thưởng thức từng loại.

Món bánh rán mật được người dân làm tại chợ. Đây cũng là món bánh được yêu thích của người dân khi đến chợ.

Món bánh rán mật được người dân làm tại chợ. Đây cũng là món bánh được yêu thích của người dân khi đến chợ.

Các loại bánh ở chợ San Thàng vô cùng phong phú, nào là bánh rán, bánh bạc đầu, bánh dầy, bánh bò, bánh môchi, bánh cắt… đều có giá trung bình 2000 đồng/cái. Mùi vị, hình dáng, màu sắc của các loại bánh khiến bước chân của du khách như chậm lại và say sưa thưởng thức.

Chị Hương, người dân tộc Giáy cho biết, để làm được 1 mẻ bánh bò đem bán ở chợ phiên cũng kỳ công lắm. Mỗi một khuôn bánh làm ra 1 chiếc bánh bò khổng lồ nặng 7kg. Mỗi phiên chợ chị bán hết 14 kg bánh bò. Bánh bò nguyên liệu không cầu kỳ chỉ có gạo và đường đỏ. Tuy nguyên liệu đơn giản nhưng để làm được mẻ bánh bò đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ. Ngoài thời gian ngâm gạo thì thời gian để hấp chín bánh cũng mất 3 tiếng đồng hồ nên chị Hương phải dậy từ 1h sáng hấp bánh để rồi 5h có mặt ở phiên chợ. Bánh bò có màu vàng mật ong tơi xốp, tan nhẹ khi đưa vào miệng, không ngấy mà chỉ ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Vị bánh bò thanh tao trở thành hương vị rất riêng, không thể thiếu ở chợ phiên San Thàng.

Món bánh bò đặc trưng của người Giáy ở San Thàng. Mỗi ngày chị Hương (áo đỏ) dậy từ 1h sáng để hấp bánh cho kịp phiên chợ sáng. Món bánh được cắt bằng sợi chỉ và có giá 5.000 đồng/2 miếng bánh.

Món bánh bò đặc trưng của người Giáy ở San Thàng. Mỗi ngày chị Hương (áo đỏ) dậy từ 1h sáng để hấp bánh cho kịp phiên chợ sáng. Món bánh được cắt bằng sợi chỉ và có giá 5.000 đồng/2 miếng bánh.

Bánh dày của người Giáy được bán ở chợ cũng hấp dẫn du khách. Chiếc bánh nhỏ xinh có màu tím thay vì màu trắng như thường thấy. Bánh có mùi thơm của gạo nếp được giã nhuyễn, độ ngậy của đỗ và đặc biệt màu tím được làm từ lá rừng nhìn rất bắt mắt.

Món bánh dày có màu tím rất đẹp mắt.

Món bánh dày có màu tím rất đẹp mắt.

Ở chợ San Thàng có món bánh cắt, chỉ cắn một miếng thôi đã thấy hương vị của núi rừng, mộc mạc như chính người dân nơi đây. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp nhân bánh gồm lạc, vừng, đường. Nguyên liệu không cầu kỳ nhưng khi thưởng thức bánh cắt mọi giác quan được đánh thức bởi sự hòa quện của vừng, lạc, đường thơm ngậy. Cái tên bánh cắt nghe mộc mạc và được người dân lý giải thế này “bánh được làm theo chiều dài của chiếc bàn bán hàng. Bàn dài bao nhiêu thì chiếc bánh dài bấy nhiêu. Bánh có hình chữ nhật và khi bán bánh được cắt thành từng miếng nhỏ nên được gọi là bánh cắt. Chỉ như vậy thôi mà món bánh cắt được lưu truyền nhiều đời và xuất hiện ở các chợ phiên được người dân yêu thích”.

Chị Thương, một người dân đi chợ cho hay “nhà tôi ở thành phố Lai Châu, tuần nào cũng dành thời gian đi chợ phiên San Thàng. Trừ lúc đi vắng không có nhà chứ như 1 thói quen đến hẹn lại đi chợ. Tôi thích được ngắm không khí rộn ràng của phiên chợ. Ngắm bà con xuống chợ xúng xính. Đặc biệt tôi mê các loại bánh truyền thống được bày bán ở đây. Sáng ra bánh vẫn còn nóng hổi, nêm nếm mỗi món 1 tý, thú vị lắm”.

Trên mỗi sạp hàng được bày bán rất nhiều loại bánh. Lần lượt từ trái sang phải là bánh ngô, bánh bạc đầu và bánh cắt. Mỗi món có một hương vị đặc trưng.

Trên mỗi sạp hàng được bày bán rất nhiều loại bánh. Lần lượt từ trái sang phải là bánh ngô, bánh bạc đầu và bánh cắt. Mỗi món có một hương vị đặc trưng.

Chị Thảo, du khách ở Hải Phòng chia sẻ, “gia đình tôi có người thân ở Lai Châu nên tranh thủ lên chơi và đúng dịp có phiên chợ San Thàng. Hải Phòng được mệnh danh là thiên đường ăn vặt, mọi người đến Hải Phòng hay rủ “đi food tour Hải Phòng đi”. Và khi đến chợ San Thàng thì thực sự choáng ngợp bởi cơ man các món ăn truyền thống cực kỳ đặc sắc. 1 buổi sáng với hành trình food tour chợ San Thàng vẫn cảm thấy thòm them. Hy vọng sẽ được quay lại Lai Châu, quay lại chợ San Thàng vào 1 dịp gần nhất”.

Có hẹn với món thắng cố chợ phiên San Thàng

Tối thứ 7 con đường vào chợ San Thàng đông như đi hội. 3 bãi để xe chật cứng ô tô của khách đến chợ. Chợ đêm San Thàng đông vui nhộn nhịp không kém gì phiên chợ ngày. Người dân đến đây hòa mình vào chương trình biểu diễn văn nghệ mang đậm màu sắc các dân tộc của Lai Châu và đặc biệt được thưởng thức ẩm thực phong phú nơi đây. Chợ chủ yếu bán các món ăn như thắng cố, bánh phở dân tộc Giáy, đồ nướng, nước giải khát và các trò chơi phục vụ nhu cầu khách đến thăm chợ.

Chợ đêm San Thàng thường rất đông và nhanh hết chỗ, đặc biệt là quầy hàng bán thắng cố, nên du khách hãy chủ động đi sớm, có mặt ở chợ lúc 18h là phù hợp nhất. Chỉ đến tầm 19h là nhìn quanh chợ đã đông nghịt người, từng nhóm, từng nhóm ngồi quay quần bên nồi thắng cố. Mùa đông trong cái lạnh của Tây Bắc, nồi thắng cố bốc hơi nghi ngút, nhóm bạn cùng nâng chén rượu ngô thơm nồng, cậu chuyện thêm râm ran hơn. Mùa hè nhiều người sẽ thắc mắc nóng như này mà ăn thắng cố thì không chịu nổi. Nhưng với thời tiết dễ chịu của Lai Châu khi về đêm, ban đầu có thể sẽ hơi nóng nhưng càng về khuya, những cơn gió mát rượi sẽ chiều lòng bạn khiến cho bữa thưởng thức thắng cố càng thêm thi vị.

Chợ đêm San Thàng luôn đông nghịt người dân và du khách tìm đến thưởng thức món thắng cố. Một món ăn mà ai cũng thích.

Chợ đêm San Thàng luôn đông nghịt người dân và du khách tìm đến thưởng thức món thắng cố. Một món ăn mà ai cũng thích.

Chợ đêm San Thàng được UBND thành phố Lai Châu khai trương cuối năm 2019. Phiên chợ ra đời là nơi gặp gỡ, tạo cơ hội cho bà con nhân dân thành phố Lai Châu và những xã lân cận có môi trường giao lưu, vui chơi cuối tuần và đây cũng là dịp để quảng bá văn hóa đặc trưng của các dân tộc anh em ở Lai Châu. Và có lẽ chắc ít nơi có 1 phiên chợ đêm lại nhộn nhịp thu hút đông người dân đến chợ như San Thàng.

Ông Vùi Văn Phướng, Bí thư Chi bộ bản San Thàng cho biết, có khoảng 60 hộ kinh doanh tại chợ đêm San Thàng và đa số đều là người Giáy ở địa phương. Món thắng cố ngựa ở chợ đêm San Thàng được các hộ kinh doanh nấu theo công thức truyền thống và mang hương vị đặc trưng. Chợ đi vào hoạt động từ năm 2019 và ngày một thu hút đông không chỉ người dân địa phương mà cả du khách khắp nơi tìm về.

Theo ông Phướng, đêm cuối tuần, anh em bạn bè hay gia đình cùng nhau ngồi quây quần bên nồi thắng cố, món ăn được ưa chuộng nhất trong phiên chợ không chỉ đàn ông mà phụ nữ, người già và cả trẻ nhỏ cũng thích. Họ tới chợ để vui chơi, ăn uống, ngồi quây quần trò chuyện về gia đình, về công việc làm ăn hay đơn thuần để xả những muộn phiền sau 1 tuần lao động.

Nồi thắng cố ngựa mang hương vị đặc trưng của người Giáy ở chợ đêm San Thàng.

Nồi thắng cố ngựa mang hương vị đặc trưng của người Giáy ở chợ đêm San Thàng.

Anh Tuấn, người dân ở thành phố Lai Châu cho hay, có dịp rảnh là anh cùng bạn bè đến chợ đêm San Thàn thưởng thức thắng cố và uống chén rượu ngô. Tuần này anh có bạn từ Hà Nội đến chơi và đây là dịp anh được quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của Lai Châu thông qua phiên chợ. Mặc dù là người dân ở đây, quen thuộc với món ăn này nhưng mà anh vẫn thích đến chợ vào mỗi dip cuối tuần. Phải nói đó là cái thú với người dân Lai Châu.

Còn anh Phường, bạn anh Tuấn cho hay, lần đầu đến Lai Châu và được bạn dẫn đến chợ San Thàng thực sự bất ngờ quá. Nhìn người dân đến chợ đêm rất vui. Nhiều gia đình đến đây ăn tối. Món thắng cố ở đây khá khác biệt so với ở Lào Cai. Lần này tôi được thưởng thức món rau tiêu rừng nhúng lẩu thẳng cố, thực sự nức lòng người thưởng thức. Ngoài ra còn có món giá đậu tương nhúng lẩu nữa. Đây là những món mà ở Hà Nội không có. Sau lần này tôi sẽ về quảng bá rủ bạn bè đến với Lai Châu, đến với San Thàng.

Lá tiêu rừng ăn với thắng cố ngựa mang một hương vị riêng, không phải nơi nào cũng có.

Lá tiêu rừng ăn với thắng cố ngựa mang một hương vị riêng, không phải nơi nào cũng có.

Thắng cố, rượu ngô là món ăn có từ rất lâu và là món không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc ở Lai Châu. Từng nhóm, từng nhóm chuyện trò rôm rả bên nồi thắng cố, tay bắt mặt mừng, cùng nhau nâng chén rượu ngô là hình ảnh đặc trưng ở phiên chợ đêm San Thàng, một điểm đến đặc trưng trong hành trình khám phá Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Hoàng My

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cuoi-tuan-food-tour-cho-san-thang-381078.html