Cưới vợ miền Tây, chàng trai Hà Nội được mẹ vợ cho mượn vàng trao ngày cưới
Hai năm từ Hà Nội vào miền Tây ở rể, chàng trai có nhiều kỷ niệm đẹp về gia đình, tình thân, đặc biệt là người mẹ vợ tần tảo, hiền lành.
Anh Nguyễn Khắc Bình (Hà Nội) đã có 2 năm vào miền Tây ở rể. Hai năm qua, anh có nhiều trải nghiệm độc đáo về văn hóa, ẩm thực miền Tây và nhận ra những điều quý giá về tình thân, gia đình.
Trước khi gặp gỡ người vợ hiện tại – chị Phạm Hoàng Nhã Trúc (quê Long An), công việc làm ăn của anh Bình gặp khó khăn. Sự nghiệp đổ vỡ, trong túi không có tiền, thấy cuộc đời chông chênh, anh có một quyết định táo bạo là chạy xe máy từ Hà Nội vào TPHCM, gây dựng sự nghiệp từ đầu.

Bà Hạnh (áo đỏ, ngồi giữa) chuyển đến sống cùng vợ chồng con gái. Ảnh: Mẹ chồng - nàng dâu
Tại đây, anh có cơ duyên quen chị Trúc qua mạng xã hội. Đôi bên “thả tim” cho nhau và... “vào câu chuyện”. Sau 9 tháng quen biết, tìm hiểu, họ chính thức về chung một nhà.
Đến giờ, bà Trần Thị Hạnh (mẹ vợ của anh Bình) vẫn nhớ rõ kỷ niệm lần đầu tiên con rể tương lai về ra mắt. Bà ngại ngùng đến độ không dám ra tiếp chuyện, phải nhờ bà nội của Trúc ra tiếp thay.
“Nhìn cậu ấy lạ lạ vì có cái đầu trọc. Tôi chỉ thấy mắc cười, con gái tôi hỏi ‘sao mẹ cười quá vậy?’. Tôi đáp ‘người yêu con lạ lạ’”, bà Hạnh kể.
Sau khi kết hôn, anh Bình quyết định ở lại quê vợ sinh sống. Anh thuê một căn nhà rồi đón mẹ vợ lên ở cùng. “Tôi vẫn bảo mẹ vợ là tôi đi ở rể để mẹ không ngại”, anh Bình nói.
Mối quan hệ giữa mẹ vợ - con rể rất hòa thuận. Hai năm sống cùng các con, bà Hạnh chưa một lần mâu thuẫn với con rể. Bà luôn thấy chàng rể hiền lành, hiếu thuận, chuyện gì cũng chiều theo ý vợ và mẹ vợ.
Bà Hạnh là người nấu ăn chính trong nhà. Đôi khi các món ăn miền Tây không hợp khẩu vị nhưng anh Bình chưa từng phàn nàn. “Tôi nấu đồ ăn, khi nào thấy con rể ăn ít thì biết con không thích, chứ con không bao giờ nói gì”, bà Hạnh chia sẻ.

Mối quan hệ mẹ vợ - con rể rất hòa thuận. Ảnh: Mẹ chồng - nàng dâu
Sau khi kết hôn, anh Bình làm nhiều công việc khác nhau như kinh doanh gạo, buôn bán online... Chứng kiến con rể gây dựng từng chút một, bà Hạnh rất thương.
“Tôi chỉ hỗ trợ tinh thần thôi, còn lại con rể lo hết. Cái gì nó cũng chiều theo ý mẹ, đó giờ không thấy có gì khó khăn hết”, bà Hạnh nói thêm.
Về phía mình, anh Bình cũng thấy cuộc sống ổn thỏa, hạnh phúc. Anh biết ơn khi mẹ vợ đã hỗ trợ tổ ấm nhỏ của mình rất nhiều.
“Vào đây, tôi không có gia đình bên cạnh, tôi đã được gia đình vợ, nhất là mẹ vợ hỗ trợ hết mình. Mọi việc trong gia đình có mẹ vợ lo, nên tôi yên tâm làm việc”, anh Bình nói.
Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, anh Bình có lúc phải mượn mẹ vợ vài chục triệu lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên, anh rất hạn chế vay mượn mẹ vợ, vì “sự hỗ trợ về tinh thần đã là đáng quý lắm rồi”.

Bà Hạnh vui khi con rể hiếu thuận, chăm chỉ. Ảnh: Chương trình mẹ chồng nàng dâu
Anh Bình nhớ lại kỷ niệm trong ngày cưới: “Lúc cưới, tôi không có tiền để mua vàng, thế là phải mượn mẹ vợ một ít vàng đeo cho vợ”. Bà Hạnh cũng thoải mái cho chàng rể mượn vàng mà không đánh giá, phán xét.
Trong mắt anh, mẹ vợ giống như “siêu nhân”. Cũng như mẹ ruột anh, bà Hạnh thức khuya dậy sớm, hỗ trợ con cái về mọi mặt, miễn sao các con có điều kiện sống tốt nhất.
Điều anh Bình mong muốn nhất giờ đây là mua được mảnh đất, xây được căn nhà để an cư lạc nghiệp. Biết đó cũng là mong mỏi của mẹ vợ, nên anh càng nỗ lực.
Trong bữa cơm gia đình trên sóng "Mẹ chồng nàng dâu", bà Hạnh và con rể càng thể hiện rõ sự hòa thuận. Không khí vui vẻ, sum vầy của gia đình nhỏ khiến người xem ngưỡng mộ.