Cuốn sách bật mí bí quyết 'làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn'

Frugal Innovation - Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn là cuốn sách đặc biệt dành cho những nhà lãnh đạo muốn tiếp cận thị trường một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời mang lại các giá trị mà khách hàng mong muốn.

Bối cảnh hiện đại, nhất là sau đại dịch Covid-19, đem đến cho chúng ta nhiều bài học đắt giá. Trong lĩnh vực kinh tế, người ta nhận ra, chính sách “thắt lưng buộc bụng” cần được hiểu theo một định nghĩa sâu sắc hơn: tiết kiệm.

Đổi mới sáng tạo chưa đủ

Đánh giá về tác phẩm của bộ đôi tác giả Jaideep Prabhu, Navi Radjou mang tên Frugal Innovation - Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn, Michael Barber - người sáng lập và Chủ tịch Delivery Associates, cho rằng: “Thời kỳ của đổi mới sáng tạo tiết kiệm đã đến. Sức ép từ chi phí và nhu cầu sử dụng tài nguyên một cách bền vững đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phương pháp mới để thực hiện đổi mới sáng tạo”.

Bìa cuốn sách Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn được Nhà xuất bản Thế giới và SaigonBooks phát hành tại Việt Nam.

Bìa cuốn sách Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn được Nhà xuất bản Thế giới và SaigonBooks phát hành tại Việt Nam.

Quả thực, trong Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn, các tác giả đã giải thích rõ ràng phương pháp đổi mới sáng tạo tiết kiệm và làm sáng tỏ luận điểm của họ bằng ví dụ thực tế của các doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Thông qua các nghiên cứu tình huống được phân tích kỹ lưỡng, tác giả Radjou và Prabhu đã chứng minh rằng, đổi mới sáng tạo tiết kiệm là một trong những mô hình mới nổi quan trọng nhất để tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.

Ông Michael Barber không ngại ngần nhận định: "Jaideep Prabhu và Navi Radjou đã nắm bắt được làn sóng của tương lai”.

Đổi mới sáng tạo tiết kiệm là một chiến lược kinh doanh thiết yếu dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển trong một thời kỳ mà khách hàng vừa quan tâm đến giá trị sử dụng, vừa định hướng theo các giá trị đạo đức.

Thực tế cho thấy chủ nghĩa tiêu dùng - trào lưu từng là chủ lưu trong thế kỷ trước đã không còn nữa. Hiện thời là không gian của sống cần kiệm, khát vọng, tính cá nhân hóa.

Thế nên, đường hướng của doanh nghiệp phải là xu hướng pha trộn các giá trị và chất lượng để mang lại sự cân bằng cá nhân và xã hội mà những người tiêu dùng của thế kỷ XXI mong muốn.

Nuôi dưỡng văn hóa tiết kiệm

Đổi mới sáng tạo tiết kiệm vừa là chiến lược đột phá của doanh nghiệp, vừa là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường kinh tế.

Chúng ta không còn có thể xem phương châm làm tốt hơn với ít nguồn lực hơn như là giải pháp ngắn hạn để đối phó với tình hình kinh tế khó khăn nữa, mà nó phải trở thành chiến lược kinh doanh dài hạn thiết yếu.

Trong thực tại mới này, chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, chối bỏ thì doanh nghiệp ắt sẽ lụi tàn.

Và trên nhiều khía cạnh quan trọng, đổi mới sáng tạo tiết kiệm còn đại diện cho sự trở về gốc rễ công nghiệp của nền kinh tế hiện đại được xây dựng dựa trên tinh thần lao động chăm chỉ và sử dụng tiết kiệm tài nguyên.

Nhưng làm cách nào để triển khai hiệu quả chiến lược và xu hướng này?

Hai tác giả Jaideep Prabhu và Navi Radjou cung cấp 6 nguyên tắc cụ thể: Tiếp cận và lặp lại; Sử dụng tài sản linh hoạt; Tạo ra các giải pháp bền vững; Định hình hành vi của người tiêu dùng; Đồng sáng tạo giá trị với nhà tiêu dùng; Kết giao với những người bạn sáng tạo.

Có thể nói, Frugal Innovation - Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn đã cô đọng kinh nghiệm và kiến thức của nhiều năm thành một hướng dẫn hiệu quả và sáng tạo dành cho mọi doanh nghiệp. Đây là cuốn sách đặc biệt dành cho những nhà lãnh đạo muốn tiếp cận thị trường một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn, đồng thời mang lại các giá trị mà khách hàng mong muốn.

Cuối cùng, bằng tất cả sự chân thành, bộ đôi tác giả khuyến nghị các doanh nghiệp cần và nên nuôi dưỡng văn hóa tiết kiệm.

Để lời đề nghị trở nên thuyết phục, Jaideep Prabhu và Navi Radjou mô tả lại cách thức mà các lãnh đạo của những doanh nghiệp lớn như Aetna, Danone, IBM, Kingfisher, Marks & Spencer, PepsiCo, Renault-Nissan, Siemens và Unilever đã và đang làm để thay đổi toàn diện văn hóa tổ chức của họ cũng như cách tư duy của nhân viên trong quá trình triển khai áp dụng 6 nguyên tắc đổi mới sáng tạo tiết kiệm đã phân tích ở trên.

Trần Xuân Tiến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuon-sach-bat-mi-bi-quyet-lam-tot-hon-voi-nguon-luc-it-hon-201653.html