Cuốn sách 'giấy dán tường tử thần' gây nguy hiểm cho người đọc

Shadows From The Walls Of Death là cuốn sách nguy hiểm theo đúng nghĩa đen, với nội dung là những mẫu giấy dán tường chứa đầy hóa chất độc hại asen.

Trong thế giới văn học, có vô số câu chuyện làm người đọc say mê hay thậm chí là sợ hãi. Trong đó, có một cuốn sách khét tiếng đến nỗi nhiều người tin rằng nó sở hữu sức mạnh chết người có tên Shadows From The Walls Of Death.

Dù được xuất bản với mục đích nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của asen, đằng sau cuốn sách bí ẩn này vẫn có những câu chuyện kỳ lạ về nguồn gốc và tác động mà nó gây ra cho độc giả.

Shadows From The Walls Of Death, được in năm 1874 là một cuốn sách đáng chú ý vì độ hiếm có và vì nếu chạm vào nó bằng tay trần, người đọc có rủi ro gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Sách "tử thần"

Khác với những cuốn sách thông thường, Shadows From The Walls Of Death có nội dung gồm một trăm mẫu giấy dán tường chứa hàm lượng asen nguy hiểm.

Cuốn sách là tác phẩm của tiến sĩ Robert Kedzie, một bác sĩ phẫu thuật của phe Liên minh trong Nội chiến Mỹ và sau này trở thành giáo sư hóa học tại trường Cao đẳng Nông nghiệp Bang Michigan.

 Một cuốn Shadows From The Walls Of Death được bọc kỹ trong nhựa. Ảnh: Atlas Obscura.

Một cuốn Shadows From The Walls Of Death được bọc kỹ trong nhựa. Ảnh: Atlas Obscura.

Khi đến phục vụ trong Hội đồng Y tế của bang vào những năm 1870, ông đã bắt đầu nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của giấy dán tường có pha asen.

Năm 1775, nhà hóa học người Thụy Điển tên là Carl Wilhelm Scheele đã tạo ra thuốc nhuộm bằng đồng asen làm cho màu sáng hơn và bền hơn. Ngoài ra, sử dụng asen là cách rẻ hơn để in giấy dán tường.

Do đó, mặc dù là chất độc gây chết người, asen lại là thành phần chính tạo thành các loại sơn và bột màu đẹp mắt, phổ biến nhất là Scheele's Green hoặc Paris Green.

Đáng chú ý, gần cuối thế kỷ 19, Hiệp hội Y khoa Mỹ ước tính rằng có tới 65% giấy dán tường ở nước Mỹ có chứa asen.

Từ thời Victoria, con người đã biết asen là chất độc nếu chẳng may ăn nhầm. Tuy nhiên, phần lớn lại xem nhẹ chất độc này khi trát tường nhà.

Kedzie lập luận rằng giấy dán tường chứa asen hoàn toàn có thể thải ra các hạt bụi cực nhỏ có thể khiến người trong nhà hít vào hoặc ăn phải.

Ngay từ phần giới thiệu của cuốn sách, vị bác sĩ cảnh báo bên cạnh việc “hủy diệt sự sống một cách đột ngột và dữ dội”, asen còn khiến con người mất mạng bằng cách đầu độc từ từ, gây ra một căn bệnh bí ẩn và dai dẳng khiến người bệnh cũng như bác sĩ bối rối.

Để lấy ví dụ, bác sĩ Kedzie viết về những người phụ nữ bị ốm và đi vào phòng ngủ có giấy dán tường chứa asen để hồi phục, mà không biết rằng trong suốt thời gian đó họ đang hít phải “không khí đầy hơi thở của cái chết”.

Như một phần trong chiến dịch nâng cao nhận thức về tính độc hại của asen, Kedzie sau đó đã xuất bản khoảng 100 quyển Shadows From The Walls Of Death và gửi đến các thư viện công cộng trên khắp Michigan (Mỹ).

 Shadows From The Walls Of Death được đồn rằng có khả năng gây tử vong cho người đọc. Ảnh: Circulating Now.

Shadows From The Walls Of Death được đồn rằng có khả năng gây tử vong cho người đọc. Ảnh: Circulating Now.

Mỗi cuốn sách đều khá mỏng, ít chữ, chỉ có một trang tiêu đề, một lời nói đầu ngắn và một ghi chú của Hội đồng Y tế giải thích mục đích xuất bản và lời khuyên các thủ thư không nên để trẻ em chạm vào.

Trong 86 trang còn lại bao gồm các mẫu giấy dán tường chứa Asen được đích thân Kedzie sưu tầm từ các thương gia.

Tuy nhiên, hiện chỉ còn duy nhất 4 bản Shadows From The Walls Of Death trên thế giới, do hầu hết thư viện đều lo ngại về việc tính độc hại của asen nên đã tiêu hủy các tập sách được tặng.

Truyền thuyết về cấm vật chết người

Những truyền thuyết xung quanh Shadows From The Walls Of Death xoay quanh niềm tin rằng việc tiếp xúc với các trang sách có thể gây chết người.

Cụ thể, các mẫu giấy dán tường chứa asen trong cuốn sách được cho là có thể thải khí độc, gây ra các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe cho bất kỳ ai tiếp xúc với chúng.

Thậm chí, nhiều người tin rằng chỉ cần mở cuốn sách hoặc hít phải các trang của nó có thể dẫn đến bệnh về hô hấp hoặc thậm chí là tử vong.

Có rất nhiều câu chuyện về việc một số độc giả trải qua nhiều căn bệnh đột ngột, những triệu chứng kỳ lạ hay thậm chí là chết không rõ nguyên nhân sau khi đọc Shadows From The Walls Of Death.

Những câu chuyện này mặc dù không thể kiểm chứng, nhưng cũng góp phần tạo nên hào quang nguy hiểm của cuốn sách và khiến Shadows From The Walls Of Death được mệnh danh như sách tử thần.

 Bản scan một mẫu giấy dán tường chứa asen trong cuốn Shadows From The Walls Of Death. Ảnh: U.S. National Library of Medicine.

Bản scan một mẫu giấy dán tường chứa asen trong cuốn Shadows From The Walls Of Death. Ảnh: U.S. National Library of Medicine.

Tuy nhiên, cho đến nay, cộng đồng khoa học vẫn tranh cãi về khả năng gây chết người thực sự của cuốn sách. Mặc dù không thể phủ nhận asen là chất độc, nồng độ có trong các mẫu giấy dán tường của sách có thể không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho độc giả.

Bất chấp rủi ro tiềm ẩn, độ hiếm của Shadows From The Walls Of Death đã thu hút các nhà sưu tập, những người đam mê sách quý hiếm và một số người bị thu hút bởi sự rùng rợn.

Sức hấp dẫn của việc sở hữu một cuốn sách hiếm và khét tiếng như vậy, cùng với cảm giác hồi hộp khi sở hữu thứ vật cấm, đã thúc đẩy sự huyền bí của Shadows From The Walls Of Death. Số ít bản gốc còn lại hiện được rao bán với giá cao trên thị trường đồ cổ.

Shadows From The Walls Of Death là minh chứng cho sức mạnh của nhận thức và sức hấp dẫn của điều cấm kỵ.

Mặc dù những rủi ro thực tế liên quan đến việc đọc cuốn sách là chủ đề gây tranh cãi, nhưng danh tiếng rùng rợn của nó như một cổ vật chết người đã củng cố vị trí của nó trong vương quốc của những truyền thuyết kinh dị.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuon-sach-giay-dan-tuong-tu-than-gay-nguy-hiem-cho-nguoi-doc-post1445663.html