Cưỡng chế nợ thuế nhiều doanh nghiệp lợi dụng Covid-19 để chây ỳ, tẩu tán tài sản
Thời gian vừa qua, ngành Thuế đã kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng chây ỳ, nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.
Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan Thuế cả nước đã đôn đốc thu hồi nợ được 15.222 tỷ đồng, bằng 44,6% chỉ tiêu thu nợ được giao, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Qua rà soát sơ bộ, số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 843.000 trường hợp; số nợ thuế khoanh là 22.000 tỷ đồng; số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp xóa là 16.000 tỷ đồng.
Ông Đoàn Xuân Toản, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế cho biết, để đảm bảo công bằng, minh bạch, cơ quan Thuế đã rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ.
Đặc biệt, ngành đã tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp và những người nộp thuế không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng lấy lý do dịch bệnh để chây ỳ nợ thuế.
Qua đó, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng chây ỳ, nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.
Cụ thể, trong 6 tháng, đã ban hành 61.800 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 9.000 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 745 quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ ba nắm giữ; 14.800 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Về việc xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đến nay, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện xử lý nợ thuế.
Đồng thời hướng dẫn các cục thuế thành lập Ban Chỉ đạo xử lý nợ tại địa phương và phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên triển khai lập hồ sơ, xác minh tình trạng của người nộp thuế để xử lý nợ thuế.
Qua rà soát sơ bộ, số lượng người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ là 843.000 trường hợp; số nợ thuế khoanh là 22.000 tỷ đồng; số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp xóa là 16.000 tỷ đồng.
Vụ Quản lý nợ đã hoàn thành Thông tư quy định hồ sơ và trình tự thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng các nội dung hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 về cưỡng chế nợ, khoanh nợ, xóa nợ, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khi xuất cảnh…