Cúp vô địch nửa thế kỷ chưa 'về nhà' của người Anh

Đã hơn nửa thế kỷ kể từ lần cuối người Anh được nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup. Lần này, Harry Kane và các đồng đội tiếp tục gánh trên vai sự kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lớn.

"It’s coming home! It’s coming home! It’s coming, football’s coming home!".

"It’s coming home! It’s coming home! It’s coming, football’s coming home!".

(Tạm dịch: Nó đang trở về nhà! Nó đang trở về! Nó đang tới, bóng đá đang trở về nhà!).

Đây là câu khẩu hiệu quen thuộc mà khán giả Anh thường hô vang để cổ vũ đội nhà ở các giải đấu lớn như World Cup, Euro.

Nó có nguồn gốc từ ca khúc Three Lions do bộ đôi danh hài Frank Sinner - David Baddiel và ban nhạc The Lightning Seeds sáng tác để cổ vũ đội tuyển quốc gia tại Euro 1996 tổ chức trên chính xứ sở sương mù.

Câu hát quen thuộc đến mức Hoàng gia Anh từng sắp xếp dàn máy bay quân sự xếp thành dòng chữ “It’s coming home” bay lượn trên bầu trời London trong sự kiện kỷ niệm lễ sinh nhật 100 tuổi của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh và để chúc mừng đội tuyển Anh lọt vào bán kết World Cup 2018 sau 28 năm chờ đợi.

Từ “home” (nhà) được hiểu theo 2 nghĩa. Nghĩa đầu tiên, nước Anh được coi là cái nôi của bóng đá hiện đại. Nghĩa thứ hai là cách nói ẩn dụ tuyển Anh sẽ vô địch, mang về chiếc cúp vàng danh giá.

 Từ kỳ Euro 1996, một giai điệu bất hủ gắn với bóng đá Anh ra đời. Ảnh: BBC.

Từ kỳ Euro 1996, một giai điệu bất hủ gắn với bóng đá Anh ra đời. Ảnh: BBC.

Nơi sản sinh ra bóng đá hiện đại

Câu nói thể hiện kỳ vọng của người dân Anh rằng "đội bóng Tam sư" sẽ đem vinh quang trở về, đồng thời nói lên nỗi khát khao nhiều năm khi lần cuối họ vô địch World Cup đã từ năm 1966.

Như lời tự sự của các cổ động viên Anh, đã hơn 50 năm bóng đá chưa về lại quê hương.

Theo Football History, các hình thức ban đầu của môn thể thao vua đã sớm xuất hiện từ rất lâu xuyên suốt lịch sử, ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, bóng đá có lối chơi giống như hiện nay ra đời ở Vương quốc Anh vào thế kỷ 19.

Giai đoạn này, nhiều đội bóng nghiệp dư hình thành và họ chơi theo luật lệ tự đề ra, dẫn đến khó kiểm soát khi thi đấu giữa các đội. Đến tháng 10/1863, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) được thành lập ở London với mục đích chuẩn hóa các quy định khi chơi bóng đá. Đây cũng cơ quan quản lý đầu tiên về bóng đá.

Sau 2 tháng, FA đã đưa ra 13 điều luật, tạo thành bộ luật đầy đủ đầu tiên của bộ môn thể thao này.

Harry Kane và các đồng đội được kỳ vọng sẽ đem lại kỳ tích cho đội tuyển Anh ở giải đấu lần này. Ảnh: Sky Sport.

Harry Kane và các đồng đội được kỳ vọng sẽ đem lại kỳ tích cho đội tuyển Anh ở giải đấu lần này. Ảnh: Sky Sport.

8 năm sau khi được thành lập, Hiệp hội Bóng đá Anh có hơn 50 câu lạc bộ thành viên.

Đến mùa giải 1871-1872, FA Cup được thành lập như là giải đấu có tổ chức đầu tiên trên thế giới. Sau FA Cup tại Anh, tiếp theo là FA Cup tại Scotland (1873), FA Cup tại xứ Wales (1875) và FA Cup tại Ireland (1880).

Vào năm 1872, trận đấu bóng đá quốc tế đầu tiên giữa Anh và Scotland đã thu hút rất nhiều người xem, giống các trận đấu ngày nay.

Vào thời điểm này, châu Âu vẫn chưa chấp nhận biến thể bóng đá đương đại, thứ đã giúp định nghĩa bóng đá là một môn thể thao “rất Anh Quốc”.

Sự lan rộng của bóng đá bên ngoài Vương quốc Anh lúc đầu còn chậm, nhưng dần nhanh chóng lan rộng ra nhiều khu vực khác trên thế giới.

Hà Lan và Đan Mạch thành lập hiệp hội bóng đá của nước mình vào năm 1889, tiếp theo là New Zealand vào năm 1891, Argentina vào năm 1893, Chile, Thụy Sĩ và Bỉ vào năm 1895. Đến năm 1898, Italy thành lập hiệp hội bóng đá, sau đó là Đức và Uruguay năm 1900.

Đến năm 1904, Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA ra đời tại Paris, Pháp.

 Người Anh đang rất khao khát chức vô địch World Cup. Ảnh: The Guardian.

Người Anh đang rất khao khát chức vô địch World Cup. Ảnh: The Guardian.

Khát khao chiến thắng

Quay trở lại câu hát "It’s coming home", ý nghĩa ban đầu của nó đơn giản trùng với khẩu hiệu "Football comes home" của giải đấu Euro 1996 tổ chức trên đất Anh.

Tên của bài hát Three Lions cũng lấy cảm hứng từ logo của Liên đoàn Bóng đá Anh cũng như biểu tượng Tam sư trên áo của đội tuyển.

Ngay sau khi được giới thiệu, ca khúc đã vươn lên vị trí số một trên các bảng xếp hạng âm nhạc tại Anh và trở thành bài hát truyền thống cho những người yêu bóng đá.

Với ca từ đơn giản, dễ nhớ, cùng giai điệu dễ hát, Three Lions cùng điệp khúc của nó vượt ra khỏi phạm vi bài hát chủ đề ở một giải đấu cụ thể mà biến thành giai điệu mang theo hy vọng, tự hào của người dân Anh mỗi lần đội tuyển xuất quân.

Ở World Cup 2018, Anh giành hạng 4 chung cuộc. Ở Euro 2020, họ để tuột mất chức vô địch vào tay đội tuyển Italy. Câu hát "It's coming home" bị chế thành "It's coming to Rome" để cười nhạo thất bại của đội tuyển Anh.

Nhưng hy vọng chưa bao giờ bị dập tắt, người dân xứ sở sương mù vẫn đang trông đợi Harry Kane và các chiến binh "Tam sư" sẽ thực hiện hóa giấc mơ đem bóng đá trở về với quê hương tại kỳ World Cup 2022 lần này.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cup-vo-dich-nua-the-ky-chua-ve-nha-cua-nguoi-anh-post1383719.html