Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam phủ nhận cáo buộc 'hợp thức hóa' sai phạm

Ngày 20/8, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ 'đất vàng' xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng với phần tranh luận.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án.

Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và 20 bị cáo khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo quy định tại Điều 219 BLHS.

Có 3 bị cáo bị truy tố về tội Tham ô tài sản gồm: Võ Hồng Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng); Trần Đình Như Ý (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển); Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Triển).

Các bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Tham ô tài sản gồm: Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ (Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2) và Huỳnh Thanh Hải (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2).

Bào chữa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, bị cáo Trần Văn Nam bị cáo buộc thực hiện hành vi sai phạm là ký Văn bản 3444 ngày 23/11/2012 áp đơn giá đất từ năm 2006 để tính thu tiền sử dụng đất giao cho Tổng Công ty Bình Dương năm 2012; tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, Văn bản 3444 này không làm phát sinh thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Theo cáo trạng và luận tội nhận định: “Cần phải lấy giá xác định tiền sử dụng đất được UBND tỉnh ban hành năm 2012, tức là thời điểm có Quyết định giao đất, để tính tiền sử dụng đất cho Khu Dịch vụ của Tổng công ty 3/2 theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 1 Nghị định 120/2010/NĐ-CP”.

Trong khi đó, Nghị định 120 quy định: “Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp thời điểm bàn giao đất không đúng với thời điểm ghi trong quyết định giao đất thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất theo mục đích sử dụng đất được giao tại thời điểm bàn giao đất thực tế”.

Từ các cơ sở trên, luật sư cho rằng nếu thời điểm bàn giao thực tế sai khác với thời điểm có quyết định giao đất thì cần áp dụng giá tại thời điểm bàn giao thực tế để tính thu tiền sử dụng đất. Thực tế, đất được bàn giao theo nhiều đợt và UBND tỉnh Bình Dương đã từng có quyết định phê duyệt đơn giá đất bình quân cho Khu Dịch vụ, do vậy bị cáo Nam mới không xác định cần phải áp dụng giá tính thu tiền sử dụng đất tại thời điểm năm 2012 khi có quyết định giao đất; đồng thời xem xét áp dụng mức giá 51.914 đồng/m2 cho phần bàn giao tại thời điểm năm 2006.

Theo luật sư, việc bị cáo Nam ký Văn bản 3444 năm 2012 về áp giá là chỉ điều chỉnh đối với 43ha, đồng thời không gây ra thất thoát số tiền như quy kết của cáo trạng mà chỉ có thể là thất thu, chưa thu về cho ngân sách nhà nước, tài sản của nhà nước vẫn còn ở vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Văn Nam cho rằng, cuộc họp ngày 17/4/2017 không có giá trị chỉ đạo. Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương không có trách nhiệm chỉ đạo đến cơ sở như thế. Nếu không có chuyện cổ phần hóa, Thường trực Tỉnh ủy họp về Tổng Công ty 3/2 rất ít, trừ khi có việc đột xuất. Bị cáo khai không nghe rõ, không biết rõ về việc bán 30% cổ phần như trên.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói, ngay sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xuất hiện tình tiết “hợp thức hóa hồ sơ”, bị cáo đã cùng Thường trực Tỉnh ủy xem xét kỹ lại toàn bộ các văn bản để lý giải vì sao lại có việc này. Ông Nam khẳng định từ người soạn thảo là Văn phòng Tỉnh ủy đến Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Cành đều không có ý định che giấu, tiếp tay, chống lưng cho Tổng Công ty 3/2.

Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận “còn chậm trễ” khi không quyết liệt và làm việc rõ ràng với Tổng Công ty 3/2 để cho sai phạm kéo dài. “Việc bị quy kết là hợp thức hóa này thực sự rất đau lòng. Tôi xin khẳng định lịch sử tỉnh Bình Dương và lãnh đạo qua các thời kỳ đều không có tư tưởng che giấu hay bắt tay với doanh nghiệp. Tôi không đổ tội cho cấp dưới, cấp dưới cũng không đổ lỗi cho tôi và tôi cũng không bao giờ để cấp dưới làm sai phạm”, ông Nam nói tại phiên tòa.

Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án , đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Văn Nam mức án từ 9-10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Dương Ngọc Ánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuu-bi-thu-binh-duong-tran-van-nam-phu-nhan-cao-buoc-hop-thuc-hoa-sai-pham-post605070.html