Cựu binh mật danh 'Báo Đen' - người gieo sợ hãi cho quân địch giữa lòng phố Hội

Từng là nỗi ám ảnh của địch vì những trận đánh biệt động táo bạo ở Hội An, ông Đinh Văn Lời - người mang mật danh 'Báo Đen', nay sống lặng lẽ bên dòng sông Hoài, mang theo vết thương chưa lành và ký ức vô cùng oanh liệt.

"Mỗi lần tra khảo, chúng lại hỏi: Báo Đen là ai? Tôi chỉ cười. Vì Báo Đen đâu chỉ là một người - đó là cả một thế hệ dám sống, dám chết vì đất nước", ông Đinh Văn Lời (SN 1950) thương binh hạng 2/4, nguyên Đội trưởng Đội biệt động thành Hội An, nói với PV VietNamNet trong một chiều mưa dầm phố cổ.

Một đời ông đã đi qua những khúc quanh dữ dội của lịch sử, từng gieo giông bão giữa lòng địch, rồi lặng lẽ làm lại từ đôi bàn tay trắng trong thời bình.

"Bóng đen" giữa lòng phố Hội

Ông sinh ra trong gia đình cách mạng, ông nội và cha từng bị địch giam gần ba năm ở nhà lao Hội An (Quảng Nam cũ, nay là TP Đà Nẵng). Hai người chú và cô ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Năm 14 tuổi, cậu bé làng Cẩm Nam đã xách dép băng sông Hoài làm liên lạc cho Thị ủy Hội An. Một năm sau, ông được tổ chức cài vào nội thành - "sống hai mặt" giữa lòng địch: ngày làm thợ mộc, khuân vác; đêm ẩn mình trong bóng tối nhận nhiệm vụ.

17 tuổi, ông được kết nạp Đảng, trở thành Đội trưởng Đội biệt động thành Hội An - lực lượng tinh nhuệ, gan dạ, hoạt động ngay trong nội đô.

Dưới sự chỉ huy của ông, tổ chức không ngừng lớn mạnh, từ kết nạp công nhân, gánh thuê, người ở đợ vào mạng lưới cách mạng đến tổ chức các trận đánh khiến quân địch chao đảo.

Cựu chiến binh Đinh Văn Lời - người mang mật danh "Báo Đen" và cuốn sách kể về cuộc đời mình. Ảnh: Hà Nam

Cựu chiến binh Đinh Văn Lời - người mang mật danh "Báo Đen" và cuốn sách kể về cuộc đời mình. Ảnh: Hà Nam

Khoác bộ đồ đen bó sát người, ông Lời dẫn đầu hàng loạt trận tập kích trong nội thành như một “bóng ma”, xuất hiện chớp nhoáng, tung đòn hiểm, rồi biến mất không dấu vết.

Ban ngày, ông là thợ mộc tại xưởng ông Một, đục đẽo gỗ như bao người. Nhưng đêm xuống, ông chỉ huy đội đột kích ty (sở) cảnh sát, dinh tỉnh trưởng, đồn lính Mỹ…

Có trận, ông cải trang thành cảnh sát dã chiến, dẫn đội biệt động tuần tiễu, rồi bất ngờ tung hàng chục quả lựu đạn M26 vào đồn lính giữa ngã tư Lê Lợi - Trần Phú, khiến cả khu phố rúng động. Xe quân cảnh kéo tới tiếp viện tiếp tục trúng phục kích - quân địch không biết bắn vào ai, vì giữa phố chật người, kẻ tấn công đã biến mất như chưa từng tồn tại.

Có lần, ông tập kích nhà tên thiếu tá địch, rồi cùng đồng đội hòa vào đám đông dân cư, đứng ngay hiện trường giả làm người dân hiếu kỳ.

Giai đoạn 1964 - 1968, ông chỉ huy hơn 15 trận đánh lớn, tiêu diệt 106 địch, 27 kẻ ác ôn, phá hủy 9 xe quân sự, đánh sập hai cơ quan đầu não ngụy quyền. Phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Đà, “biệt đội” của ông còn diệt thêm 182 tên địch, ám sát một gián điệp trong trại giam, xây dựng 20 chiến sĩ biệt động và 9 cơ sở cách mạng. Mỗi chiến công là một lần vào sinh ra tử.

"Chúng tôi đánh bằng cả mạng sống, bằng trí óc, bằng đôi tay không súng. Có khi dùng chính súng địch để tiêu diệt địch", ông nhớ lại.

Năm 1968, ông Đinh Văn Lời bị địch bắt sau một trận đánh lớn tại Hội An. Ảnh: Hà Nam

Năm 1968, ông Đinh Văn Lời bị địch bắt sau một trận đánh lớn tại Hội An. Ảnh: Hà Nam

Ngày 5/5/1968, trong một trận đánh tại xã Lễ Nghĩa, ông bị phục kích và bắt giữ. Địch trói ông vào cột điện giữa phố, dùng roi điện, dùi cui tra tấn dã man. Mỗi lần ngất đi vì đau đớn, ông tỉnh dậy lại mỉm cười: “Tôi không biết Báo Đen là ai”.

Sau khi bị kết án 20 năm tù, ông bị đày ra Côn Đảo. Nhưng nơi “địa ngục trần gian” vẫn không khuất phục được người lính biệt động. Tại đây, ông cùng đồng đội tuyệt thực, phản đối lao động khổ sai, quyết giữ vững khí tiết người cộng sản. Đến tháng 2/1974, ông được trao trả tù binh trong đợt cuối cùng.

Sống tử tế giữa đời thường

Trở về từ Côn Đảo, ông tiếp tục phục vụ trong lực lượng an ninh khu 5, từng được giao nhiệm vụ bảo vệ nhiều lãnh đạo cấp cao. Tháng 3/1975, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đất nước thống nhất, ông trở lại quê hương, gắn bó hơn 10 năm với công tác cơ sở. Có thời gian ông chèo đò kiếm sống, làm công an xã, cán bộ thị xã... Nhưng sau cùng, ông vẫn quay về với nghề mộc - công việc từng giúp ông ẩn mình trong những năm tháng hoạt động bí mật.

Ông thành lập xưởng mộc Kim Bồng, ban đầu chỉ là một cơ sở nhỏ, thế chấp cả nhà để có vốn. Khi nền kinh tế mở cửa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ông được xuất khẩu sang 14 quốc gia, doanh thu vượt 1 tỷ đồng/năm. Ông tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đặc biệt là con em cựu chiến binh, người yếu thế.

Ông Lời cùng đồng đội chụp ảnh chung vào năm 1973. Ảnh tư liệu

Ông Lời cùng đồng đội chụp ảnh chung vào năm 1973. Ảnh tư liệu

Không chỉ làm giàu cho mình, ông mở lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 150 người nghèo, trẻ mồ côi; âm thầm đóng góp xây nhà tình nghĩa; giúp đồng đội cũ vượt qua nghịch cảnh. Ông hoạt động từ thiện từ tâm mà không thể kể hết bằng lời.

“Làm người lính thì phải can trường. Làm con người thì phải có tình”, ông nói giản dị.

Gần 10 năm nay, ông Lời đã bàn giao lại việc kinh doanh cho các con, lui về an dưỡng tuổi già.

Thế nhưng, vết thương cũ không buông tha ông. Hơn 50 năm qua, những tổn thương thời chiến vẫn âm ỉ hành hạ thân thể. Từ năm 2017, chân phải của ông bị hoại tử, phải cắt cụt từng phần. Riêng trong năm 2022, ông trải qua tới ba lần cưa chân.

Một bên chân người cựu binh đã trải qua 4 lần phải cưa bỏ từng phần. Ảnh: Hà Nam

Một bên chân người cựu binh đã trải qua 4 lần phải cưa bỏ từng phần. Ảnh: Hà Nam

Giờ đây, cựu binh “Báo Đen” phải di chuyển bằng chân giả, sống lặng lẽ trong căn nhà vườn bên dòng sông Hoài - nơi từng chứng kiến tuổi trẻ ông cống hiến không tiếc thân mình.

Mỗi lần nhắc đến đồng đội đã ngã xuống, giọng ông chùng lại: “Dù thân thể đau đớn mỗi ngày, nhưng tôi vẫn còn được sống để thấy đất nước đổi thay. Chỉ thương anh em không kịp chờ đến ngày hòa bình…”.

Với những đóng góp cho đất nước, ông Lời được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất và Nhì...

Ngày ấy, “Báo Đen” ra vào giữa lòng địch như một cái bóng, gieo ám ảnh cho quân thù. Giờ đây, người cựu binh ấy lặng lẽ lần bước bằng chân giả trên những con phố quen - nơi ông đã làm nên những chiến công lừng lẫy. Hội An vẫn nhớ. Những người còn sống vẫn nhớ. Và lịch sử - chắc chắn không quên.

Năm 2021, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã phát hành cuốn sách “Người mang mật danh Báo Đen”, kể lại hành trình hoạt động cách mạng của ông Đinh Văn Lời - từ một thiếu niên trốn nhà đi làm liên lạc cho đến người đội trưởng biệt động gan dạ tung hoành giữa lòng phố Hội. Cuốn sách không chỉ ghi lại những chiến công rực lửa, mà còn khắc họa sâu sắc khí chất, nhân cách và lòng trung nghĩa son sắt của một người lính thời chiến - và cả thời bình.

Hà Nam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuu-binh-mat-danh-bao-den-nguoi-tung-gieo-am-anh-cho-dich-giua-long-pho-hoi-2425782.html