Cựu binh Mỹ và tâm nguyện bình dị
Thời gian gần đây, đi dọc trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) người dân sẽ nhìn thấy người đàn ông nước ngoài cặm cụi ngồi dán những miếng phản quang miễn phí cho xe đạp. Ông là David Clark, một cựu binh Mỹ từng có thời gian tham chiến tại Đà Nẵng và bây giờ ông trở lại với mong muốn đóng góp cho thành phố từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất.
Thời gian gần đây, đi dọc trên tuyến đường Nguyễn Công Trứ (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) người dân sẽ nhìn thấy người đàn ông nước ngoài cặm cụi ngồi dán những miếng phản quang miễn phí cho xe đạp. Ông là David Clark, một cựu binh Mỹ từng có thời gian tham chiến tại Đà Nẵng và bây giờ ông trở lại với mong muốn đóng góp cho thành phố từ những điều nhỏ bé, bình dị nhất.
Ngồi lặng lẽ ở một góc nhà số 296 Nguyễn Công Trứ, David Clark (1949) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Hương (1961) thỉnh thoảng lại chạy ra đường chặn xe đạp của người đi đường. Họ "năn nỉ" chủ nhân cho dán miễn phí các miếng phản quang và thay đèn sau cho xe. Mục đích của việc làm này là để cảnh báo cho các phương tiện giao thông khác, dễ dàng nhận ra các chiếc xe đạp vào ban đêm để tránh gây tai nạn. Công việc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm, David và vợ liên tục nhận được những cái xua tay và ánh mắt hoài nghi của mọi người. Bán trà tắc ở bên cạnh, chị Hương cho biết, cứ chặn 20 chiếc xe đạp thì chỉ có 5-6 người chủ đồng ý dừng lại để David dán xe. Nhiều người hoài nghi, không ít lần vặn hỏi: "Tốn tiền tôi không dán đâu".
Những miếng dán phản quang được David đặt mua ở tận nước Mỹ xa xôi. Một gói phản quang màu đỏ vài trăm miếng có giá khoảng 400 USD và cuộn dán phản quang màu bạc có giá 250 USD. Số tiền này được David tiết kiệm và vận động sự ủng hộ của những người bạn của mình. Nói về lý do làm công việc này, David kể trong một lần tham gia khảo sát dự án xây trường học tại huyện miền núi A Lưới, TT Huế, ông tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh người dân tộc thiểu số. Nhiều lần lái xe đưa đoàn từ thiện lên khảo sát, ông suýt tông phải người điều khiển xe đạp vì không thể nhận biết được họ sớm. Những lần gặp phải hoàn cảnh như thế khiến David rất trăn trở. Sau một thời gian, ông nảy ra ý định sẽ tự nguyện dán các miếng phản quang miễn phí cho xe đạp. Ông David bắt đầu công việc dán xe từ lúc 16 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Trong khoảng 2 tiếng đó, rất ít người đồng ý để David dán bởi tâm lý e dè. Không nản lòng, ông và vợ vẫn cố gắng thực hiện công việc ý nghĩa này mỗi ngày. Họ cũng đang có ý tưởng nhờ CAP Phước Mỹ hỗ trợ.
Đối với David, thành phố bên bờ sông Hàn gắn với ông nhiều kỷ niệm thời trai trẻ. Ngày sinh nhật thứ 20 của ông được tổ chức tại Đà Nẵng, khi đó ông đóng quân tại núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) trong những năm 1968-1969. Năm 2007, David lần đầu trở lại Việt Nam trong một hành trình làm công tác thiện nguyện. Lần này, David chỉ có vỏn vẹn 3 ngày ở Đà Nẵng. Sau chuyến đi đó, năm 2011 ông gom góp tiền quay lại Đà Nẵng tự tổ chức một chuyến tình nguyện, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Năm 2013, ông quyết định bán xe ô tô thêm một lần trở lại Việt Nam. Ở chuyến đi đó, ông gặp chị Hương tại Huế và hai người kết duyên tơ hồng. Chính ông cũng là người thuyết phục chị Hương vào Đà Nẵng sinh sống và đề bạt tâm nguyện được rải tro cốt ở Ngũ Hành Sơn khi qua đời.
Sống tại Đà Nẵng, ông thường xuyên vận động các mạnh thường quân tổ chức các chương trình từ thiện. Trong 6 năm, nhóm của ông đã trao tặng khoảng 1.000 chiếc xe đạp cho các em nhỏ ở miền Trung. Bản thân ông hàng ngày đến các Trung Tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng chơi đùa cùng các em nhỏ, giúp đỡ trung tâm. Ông Tô Năm - Giám đốc Trung Tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng cho biết, vợ chồng ông David và chị Hương là những người tích cực đóng góp, giúp đỡ các em nhỏ ở 2 trung tâm. Bằng tình cảm của mình, mỗi khi thấy David xuất hiện, các em nhỏ ở đây rất vui mừng. Qua những việc David làm mọi người có thể cảm nhận được tình cảm chân thành ông dành cho các em nhỏ, cho những mảnh đời bất hạnh và cho cả TP bên bờ sông Hàn.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_210671_cuu-binh-my-va-tam-nguyen-binh-di.aspx