'Cứu cánh' giúp Đà Nẵng thích ứng linh hoạt trong đại dịch
Việc thích ứng nhanh với Nghị quyết 128 giúp Đà Nẵng sớm trở về trạng thái bình thường.
Việc chống dịch như “chống giặc” ở TP du lịch trong năm 2021 đã khiến chính quyền Đà Nẵng như “ngồi trên đống lửa”. Xác định không thể “đóng cửa” mãi, nhưng cũng đảm bảo không để lây lan dịch đòi hỏi khâu điều hành phải linh hoạt…
Vào những đợt cao điểm của dịch, khoảng tháng 7,8,9 việc di chuyển giữa tỉnh này với tỉnh khác gần như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nhiều tỉnh áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu ở yên đó” đã phần nào làm chậm sự phát triển kinh tế của từng địa phương…
Song song với việc phủ xanh tiêm vắc xin, ngay từ giữa tháng 7 Chính phủ thống nhất chưa điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã đề ra và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, điều hành nêu tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Chính phủ đặt mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.
Nghị quyết số 128 quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp. Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2: Nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. Cấp 3: Nguy cơ cao, tương ứng với cam. Cấp 4: Nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ.
Về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Hơn 2 tháng áp dụng biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, đến nay Đà Nẵng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Cơ hội mở
Đà Nẵng là địa phương liên tiếp “đón nhận” các làn sóng dịch đổ dồn từ đầu năm 2020 đến nay. Việc tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, vận dụng trong thực tế được xem như “cứu cánh” để giải pháp lần chống dịch sau hiệu quả hơn lần trước mà còn sớm có được sự đồng thuận của người dân…
Bên cạnh truy vết, tách F0 ra khỏi cộng đồng, hiện nay nhịp sống bình thường mới đã trở lại với TP khi các cơ quan công sở, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại.
Trước kia, khi chưa áp dụng Nghị quyết 128, cuộc sống người dân gặp không ít khó khăn. Giữa tháng 8/2021, Đà Nẵng áp dụng biện pháp tạm dừng tất cả các hoạt động, ai ở đâu ở yêu đó.
Trong thời gian này, người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, “ai ở đâu thì ở đó”, không được di chuyển đi lại ngoài đường. Các tuyến phố Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn… thường ngày vốn đông đúc trở nên vắng lặng, yên ắng. Nhà nhà đều "cửa đóng then cài". Đường phố chỉ còn lực lượng công an làm nhiệm vụ, xe phục vụ vận chuyển hàng hóa, y tế.
Tổ tuần tra lưu động có mặt khắp các tuyến đường giám sát việc chấp hành "ai ở đâu ở đó" của người dân. Các tổ dân phố trên địa bàn Đà Nẵng thiết lập các chốt cứng ở khu vực đường ngang, lối mở, ngõ, hẻm. Mỗi khu dân cư chỉ để lại 1 đến 2 lối ra và có lực lượng trực 24/24h.
Thời điểm đó Đà Nẵng được xem “đóng băng” toàn TP để chống dịch, cuộc sống người dân cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các phương tiện vận tải hành khách giữa đi đến TP cũng tạm dừng. Tranh thủ thời gian này Đà Nẵng lấy mẫu trên diện rộng, có độ bao phủ toàn TP để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Sau 20 ngày thực hiện biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”, ngày 5/9, Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động, chuyển sang trạng thái chống dịch mới. Thành phố phân chia từng cấp độ nới lỏng các hoạt động xã hội theo từng địa bàn và mức độ nguy cơ. Người ra đường phải có giấy đi đường mã QR Code kèm theo giấy tờ tùy thân, thực hiện 5K, không tập trung quá 2 người nơi công cộng, đeo tấm che giọt bắn khi giao tiếp; thực hiện nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến".
Người dân của các địa phương khi vào thành phố phải có xét nghiệm âm tính, bao gồm cả người đã tiêm đủ hai liều vắc xin. Tại các chốt kiểm soát giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vào thời điểm đầu tháng 10/2021, là hình ảnh ùn ứ phương tiện, người dân mệt mỏi xếp hàng dài chờ quét mã khai báo y tế vào Đà Nẵng.
Thích ứng linh hoạt…
Đến ngày 16/10, Đà Nẵng áp dụng biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, từ đây nhiều bất cập, khó khăn dần được tháo gỡ. Nhiều hoạt động được mở lại, Đà Nẵng xác định mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế,
Mặc dù ca mắc thời gian qua tăng cao, tuy nhiên thay vì tổ chức rào chắn, phong tỏa diện rộng như trước kia, ngành y tế, các quận huyện phong tỏa hẹp những điểm, khu vực nguy cơ, ghi nhận ca mắc để tập trung truy vết. Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng không tập trung dàn trải.
Song song với đó, TP đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Hiện nay, gần 100% người dân TP đã tiêm mũi 2, hướng đến tiêm mũi 3 cho người dân từ tháng 1/2022.
Để giảm bớt áp lực cho các khu cách ly, địa phương này mở rộng triển khai cách ly F1 tại nhà. Việc điều trị F0 tại nhà hiện nay cũng đang được thí điểm và đưa vào áp dụng.
Cùng với đó, Đà Nẵng dừng hoạt động tại các chốt kiểm soát ra vào TP, chấm dứt cảnh xếp hàng chờ khai báo y tế khi qua chốt. Mở cửa để đón khách du lịch nội địa trở lại. Đồng thời lên kế hoạch đón khách quốc tế.
Nhằm giảm chi phí xét nghiệm và rút ngắn thời gian xác định trường hợp mắc Covid-19, ngành y tế TP Đà Nẵng thống nhất sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 trong việc phát hiện, xác định người nhiễm và khỏi bệnh…
Gỡ khó để thực hiện “mục tiêu kép”
Với những thay đổi tích cực, năm 2021, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) toàn TP ước đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 0,18% so với năm 2020. Hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng tăng hơn 15% so với năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm phần mềm tăng 6,3%.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, TP khẩn trương chuẩn bị nội dung làm việc với các đoàn công tác, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ nhằm đề xuất các cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, tạo động lực và điều kiện thúc đẩy phát triển TP thời gian tới.
Theo ông Quảng, năm 2022, TP chọn chủ đề là “năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn nhằm thực hiện tốt "mục tiêu kép".
Theo thống kê của Sở Y tế, mười ngày qua số ca mắc Covid-19 ở Đà Nẵng đang có xu hướng giảm so với trước đó. Từ ngày 20 - 29/12, TP ghi nhận 1.555 ca F0.
Tính đến nay, TP đã tiêm 1.926.163 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 971.779 người, mũi 2 cho 953.770 người và mũi 3 cho 614 người.
Hiện Đà Nẵng có 420 khu vực phong tỏa với 1.062 hộ dân (5.147 nhân khẩu), duy trì 14 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 407 người.