Cựu chiến binh lập 2 Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh
Khi mới 15 tuổi, dũng sĩ Trần Minh Tâm (Sáu Tâm) vinh dự cùng đoàn đại biểu Anh hùng, Dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác Hồ. Người dũng sĩ ngày đó cũng vừa tạo dựng 2 Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại tỉnh Khánh Hòa và Tây Ninh rất độc đáo.
Ghi nhớ lời Bác dạy
Là người từng trải trong kháng chiến lại luôn chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, cựu chiến binh Trần Minh Tâm luôn trăn trở: “Làm gì để tấm gương đạo đức và tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh cũng như cuộc đời cao đẹp của Bác thấm sâu hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”? Ông bàn với gia đình và quyết định xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trên vùng quê kháng chiến nghèo tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Khu đất này do một công ty lập dự án xây dựng nhà ở dân cư nhưng suốt 23 năm để hoang hóa, lãng phí. Sau một thời gian dài suy tính, ông Sáu Tâm cùng gia đình quyết chí biến trảng cát trắng diện tích gần 6.000m2, cây cối hoang dại ven biển Ninh Hòa thành công trình “Vườn hoa ơn Bác” - một mô hình mở, sinh động của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh. Sau hơn 5 tháng xây dựng, công trình được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.
Khu trung tâm “Vườn hoa ơn Bác” có các cụm tượng và mô hình gắn với lời dạy của Bác Hồ: Đặc biệt, 4 câu thơ Bác viết trong Nhật ký trong tù được khắc bên cạnh chiếc cối giã gạo gây ấn tượng: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Tượng đá lớn có hình ảnh ba thiếu nữ Bắc, Trung, Nam dựng trước cổng vào thể hiện sự thống nhất đất nước và tôn vinh nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam, đồng thời ghi nhớ lời Bác dạy về bình đẳng giới và vai trò to lớn của con cháu bà Trưng, bà Triệu. Bên khối đá san hô 12 tấn được lực lượng cảnh sát biển chuyển về tặng vườn hoa là hồ sen Đồng Tháp khiến mọi người nhớ câu: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Theo ông Sáu Tâm, tất cả những việc làm và hình ảnh ở đây đều thể hiện đúng những lời Bác dạy. Đó là đạo đức cách mạng, kính già yêu trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và bình đẳng giới, gương mẫu, chăm lo cho dân.
Sau khi hoàn thành công trình, ông bà Sáu mời các đơn vị của phường đến chung tay tham gia tổ chức, quản lý các dịch vụ vì cộng đồng. Nơi đây có khu giải trí dành cho người cao tuổi với các phòng khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh khu vui chơi giải trí (đánh cờ tướng, hát karaoke, xem phim tự chọn có máy chiếu lên màn hình rộng) là khu vực ăn sáng, uống cà phê miễn phí…
Ngoài ra, còn có một thư viện khá phong phú với 600 đầu sách các loại cùng nhiều sách về Bác Hồ. Nơi đây cũng bố trí 2 xe điện đưa đón người cao tuổi đi bệnh viện miễn phí. Hàng tháng, ông Sáu Tâm phối hợp với Bệnh viện Ninh Hòa tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 160 người cao tuổi. Công trình bố trí xe hơi nhỏ đa năng để tưới cây dọc đường và chở nước ngọt cho người dân; phun thuốc khử độc hay phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra còn có một ca nô cao tốc 850 mã lực vừa sẵn sàng cho công tác cứu hộ cứu nạn, vừa làm phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ, góp phần cải thiện đời sống. Gần “Vườn hoa ơn Bác” còn có đài quan sát khá cao, có kính viễn vọng và hệ thống thông tin viễn thông kết nối với ca nô cao tốc và các đơn vị biên phòng, cảnh sát biển, cứu hộ cứu nạn... sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Trong khuôn viên vườn hoa có cây xoài hơn 100 tuổi (từ gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nghé chuyển về), là hiện vật sống, nhắc nhớ và góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương. Bốn người con của mẹ Nguyễn Thị Nghé đã anh dũng hy sinh. Cây xoài là địa chỉ đỏ của những người ra đi cầm súng đánh giặc và là điểm hẹn của nhiều cán bộ chiến sĩ hoạt động bí mật năm xưa.
Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh và Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Khổng Minh Dụ, nguyên cán bộ Cụm Tình báo H67 - là đồng đội của ông Sáu Tâm, sau khi thăm “Vườn hoa ơn Bác” đã rất ấn tượng và ngợi khen công trình.
Con đường “Đền ơn đáp nghĩa”
Sau nhiều lần về thăm bà con vùng kháng chiến năm xưa ở khu phố An Đước, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, ông Sáu Tâm trăn trở với mong muốn tu sửa con đường lầy lội và nhỏ hẹp. Ông đã bàn với gia đình đầu tư hơn 2 tỷ đồng tu sửa, mở mang con đường. Ông Sáu Tâm chia sẻ: “Gia đình tôi muốn làm con đường này thật khang trang, có đường điện cao áp dọc hơn 1km đường để ghi nhớ công ơn nhân dân An Tịnh đã chở che bộ đội và trực tiếp cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời muốn bà con nhớ mãi lời Bác dạy “quân với dân như cá với nước”. Bởi vậy con đường mới mang tên Đền ơn đáp nghĩa”.
Cùng cán bộ và người dân địa phương đi bộ trên đường, chúng tôi đọc những lời Bác dạy được khắc trên những tảng đá lớn dọc hai bên đường. Đây là điểm mới nhất chưa nơi nào có được. Anh Đặng Văn Dìa, Bí thư chi bộ khu phố An Đước, cho biết: “Khu phố có hơn 100 hầm bí mật; có 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nơi đây là quê hương của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; chị Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM và nhiều tướng lĩnh khác”. Ông Lê Minh Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh, chia sẻ: “Ông Sáu Tâm không chỉ đầu tư làm đường mà còn tạo dựng cho người dân nơi đây một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh rộng mở, qua đó, mỗi ngày, cán bộ, người dân đọc và thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ”.
Ngay sau khi khánh thành con đường Đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi cùng ông Sáu Tâm ra biên giới làm lễ động thổ công trình xây dựng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 271 tại huyện Tân Biên. Công trình cũng do gia đình ông Sáu Tâm tài trợ, sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Cựu chiến binh Trần Minh Tâm sinh năm 1954 trên quê hương Bến Tre. Ông hiện là công dân TP Thủ Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TPHCM, Trưởng ban liên lạc truyền thống Cụm Tình báo H67 Anh hùng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuu-chien-binh-lap-2-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-post702975.html