Cựu dân quân làm giàu trên đồng cát quê hương

Ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này luôn có những cựu chiến binh, dân quân, tự vệ lao động, sáng tạo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Hoàng Bé, cựu dân quân ở làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là một tấm gương không quản ngày đêm miệt mài canh tác trên miền cát trắng khô cằn thành công với nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, đem lại thu nhập cao.

Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Mỹ Lợi, anh Hoàng Bé đã tiếp nối nghề nông của cha ông từ bao đời nay. Anh vốn là một dân quân của xã Vinh Mỹ từ năm 1995 và tham gia lực lượng này nhiều năm liên tục. Từ năm 1999 đến năm 2007, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Vinh Mỹ. Sau đó, anh tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân xã và giữ chức Phó chủ tịch Hội Nông dân cho đến nay. Dù ở cương vị nào, anh cũng nỗ lực làm việc, đóng góp nhiều thành tích quan trọng cho địa phương, đơn vị.

Về mảnh đất Mỹ Lợi, nói đến những người làm nông giỏi, nhiều người đều nhắc đến tên anh Hoàng Bé. Vợ chồng anh canh tác trên mảnh đất cát trắng cằn khô ven biển với diện tích 5.000m2. Tuy đất đai khô cằn nhưng người cựu dân quân này vẫn miệt mài lao động và cho ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đáng nể.

Anh Bé chia sẻ: “Từ những ngày còn là một chiến sĩ dân quân, ý thức về vai trò trách nhiệm của mình, tôi luôn nêu cao ý thức làm việc, tinh thần đoàn kết để vừa lao động sản xuất vừa góp phần bảo vệ quê hương”.

Với tâm niệm ấy, cùng trên mảnh đất ấy, các loại cây trồng được vợ chồng anh trồng đan xen và đều đặn cho ra thị trường những mặt hàng nông sản, hoa màu sạch được nhiều người, nhiều thương lái thu mua. Mùa đông thì có ớt, ném, cải bẹ, cải củ, xà lách; mùa hè thì có thuốc lá, dưa hấu, ớt; mùa thu - đông thì thu hoạch sắn dây, thuốc lá, ớt, ném hạt… Tổng thu sản phẩm bán hằng năm từ 250 đến 300 triệu đồng; trừ chi phí phân bón, điện, nước…, mỗi năm vợ chồng anh chị thu về hơn 200 triệu đồng. Một con số mà không phải người làm nông nào ở miền quê nghèo, cát trắng cũng làm được.

 Cựu dân quân Hoàng Bé trên ruộng dưa hấu của gia đình mình.

Cựu dân quân Hoàng Bé trên ruộng dưa hấu của gia đình mình.

Để có thu nhập ổn định và liên tục cho ra nhiều sản phẩm, “mùa nào thức nấy”, anh Bé đã luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều người thành công tại địa phương, ở nhiều nơi khác và trên internet. Nhờ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin mà anh có cơ hội tìm hiểu cách thức, kỹ thuật chọn cây giống, kỹ thuật chăm bón và tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình.

Khi chúng tôi hỏi về bí quyết thành công, anh Hoàng Bé vui vẻ nói: “Chẳng có bí quyết gì đâu, người nông dân mình bao đời cần mẫn, mình cứ học theo cha ông là thành công”. Nói vui vậy, nhưng anh cũng tâm sự: "Ngày xưa cha ông làm vất vả hơn bây giờ nhiều; mùa hè, có nhiều tháng ròng không trồng cây được vì thiếu nước tưới; mùa thu hoạch nhiều lúc được mùa nhưng chẳng biết bán cho ai. Nay thì điện, nước, mô tơ được kéo tới tận nơi canh tác; phân bón đầy đủ; đầu ra cũng thuận lợi, thu hoạch chỉ cần gọi điện là có thương lái thu mua tận đồng".

Ông Phan Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, đánh giá: “Anh Hoàng Bé là một cựu dân quân, một cán bộ Hội Nông dân giỏi, nhiệt tình với công tác ở địa phương, thành công trong lao động sản xuất và nuôi dạy con tốt”.

Trên cương vị là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, anh luôn đồng hành cùng Hội và người nông dân quê hương. Hội Nông dân xã đã có nhiều tổ nhóm sản xuất giỏi như: Tổ nhóm nuôi cá chình ở thôn 1; tổ nhóm trồng rau hữu cơ, dưa hấu ở thôn 3… Từ năm 2019 đến năm 2022, được sự quan tâm hỗ trợ của Dự án VIE/433, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lộc đã chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các nhóm hộ nông dân tại thôn 2, thôn 3 xã Vinh Mỹ. Mô hình thực hiện với diện tích 2,1ha, của 4 nhóm (27 hộ), sản lượng đạt 30 đến 50 tấn/năm. Hội Nông dân xã còn được Hội Nông dân cấp trên hỗ trợ vật tư, khoa học kỹ thuật và nguồn vốn để giúp nông dân xã canh tác, nuôi trồng thành công, chẳng hạn như năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 50 triệu đồng để mua giống cá chình, cá lóc, lắp đặt mô tơ tưới tiêu cho các hộ trồng rau sạch, hoa màu của xã.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, công tác tốt ở tổ chức Hội Nông dân xã, anh Hoàng Bé còn được nhiều người khâm phục, yêu mến với việc chăm lo gia đình. Anh bảo: “Đời mình vất vả rồi, phải quyết tâm cho con học hành đầy đủ để thế hệ các con đỡ vất vả so với cha ông”. Anh chị có 4 người con, các cháu chăm ngoan, học giỏi. Hai cháu lớn đang học đại học. Cháu đầu học Đại học Công nghệ thực phẩm - Đại học Đà Nẵng; cháu thứ hai học ngành Tự động hóa - Đại học sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hai cháu sau còn nhỏ, cũng học rất giỏi. Đến nhà anh, thấy bằng khen, giấy khen đầy nhà. Hằng năm, cha và các con thi nhau nhận bằng khen, giấy khen các cấp. Anh nói vui: “Nhà tuy không có nhiều tiền nhưng luôn có nhiều tri thức”.

Ở cương vị nào, anh cũng được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Anh đã được tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam” năm 2018 của Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2022, anh được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng bằng khen người có nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện; năm 2023, anh được UBND huyện Phú Lộc khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân và phong trào Nông dân sản xuất giỏi của huyện.

Mỗi miền quê đều có những đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau. Song dù vậy, ở bất cứ nơi đâu cũng có những người bám níu mảnh đất quê, ngày đêm miệt mài lao động, sáng tạo để sống và làm giàu trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Tấm gương anh Hoàng Bé là một minh chứng cho ý chí kiên cường, lao động giỏi, công tác tốt, lập nghiệp thành công trên mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: TRẦN VĂN QUYẾT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/noi-nguoi-chien-si-tro-ve/cuu-dan-quan-lam-giau-tren-dong-cat-que-huong-794830