Cửu đỉnh - Di sản tư liệu thế giới

'Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế' (Cửu đỉnh) chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là tin vui không chỉ với những người làm văn hóa, hay người dân ở Huế mà là niềm vui chung của những người yêu văn hóa Việt Nam.

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu (bên trong Hoàng thành, Huế).

Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu (bên trong Hoàng thành, Huế).

Nguồn lực mới thú hút khách du lịch

Tại Thủ đô Ulanbaatar của Mông Cổ, ngày 8/5 vừa qua, Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã thông qua hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế).

Cửu đỉnh có thể coi là một bộ sưu tập triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước Việt Nam và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10 này, có các đại biểu đến từ 23 quốc gia thành viên. Ngoài việc rà soát công tác và xây dựng kế hoạch của Chương trình MOWCAP trong thời gian tới, Hội nghị đã xem xét 20 hồ sơ của 10 quốc gia, gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Bangladesh, Uzbekistan, Mông Cổ.

Việt Nam trình 1 hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” và đã được thông qua vào đầu giờ chiều ngày 8/5. Như vậy cho đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và Thừa Thiên Huế có di sản thế giới thứ 8.

Hình ảnh rồng được chạm khắc trên Cửu đỉnh.

Hình ảnh rồng được chạm khắc trên Cửu đỉnh.

Bình luận về sự kiện này, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nói: Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTTDL kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Vân - Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) kiêm Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, chia sẻ đây là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam. Việc hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”. Đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu.

“Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực”, bà Vân nhấn mạnh.

Bức ảnh tư liệu này cho thấy vị trí của Cửu đỉnh ngày nay vẫn ở vị trí ngày xưa.

Bức ảnh tư liệu này cho thấy vị trí của Cửu đỉnh ngày nay vẫn ở vị trí ngày xưa.

Bộ "bách khoa thư" bằng đồng

Cửu đỉnh - tức là 9 chiếc đỉnh bằng đồng (có tên gọi lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh) gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt trước sân Thế Miếu (trong khu Hoàng thành, Huế).

Những bản đúc trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” chính thức trở thành di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO thực sự là niềm vui và vinh dự của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh về lâu dài; đặc biệt, đây sẽ là động lực để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị Di sản và bản sắc văn hóa Huế.

Ông Lê Công Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

Chín chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có 2 quai, dưới bầu có 3 chân.

Cả 9 chiếc đỉnh đồng đều có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3 m, trọng lượng từ hơn 1,9 tấn đến 2,6 tấn, trên thân mỗi đỉnh đều khắc nổi tên gọi, năm đúc, trọng lượng cùng những hình ảnh mang tính biểu tượng cao về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra…, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ 19, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta hồi ấy.

Cửu đỉnh do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Miếu ngay từ khi ra đời cho đến nay. Vua Minh Mệnh cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Cụ thể, tháng 10 năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng ban chỉ dụ, ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc công việc đúc Cửu đỉnh. Tháng 5 âm lịch năm Bính Thân (1836), phần thô của 9 đỉnh đúc xong. Nhưng phải mất gần 8 tháng sau, Cửu đỉnh mới được chính thức hoàn thành. Buổi đại lễ diễn ra vào ngày 1/3/1837 để đặt đỉnh ở sân Thế Miếu dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng.

Trên mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của Vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu: Cao đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của vua Minh Mạng), Chương đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của vua Tự Đức), Nghị đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của vua Đồng khánh), Tuyên đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của vua Khải Định); còn Dũ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào.

Tất cả 162 hình trên Cửu đỉnh là 162 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, là bách khoa toàn thư về cuộc sống con người Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, bộ báu vật này được chế tác bởi các nghệ nhân bậc thầy về đúc đồng thời nhà Nguyễn. Kỹ thuật khắc nổi những họa tiết, hoa văn tinh tế với những hình ảnh sống động trên bộ Cửu đỉnh đòi hỏi các nghệ nhân phải kiên trì và có sự am hiểu nhất định.

Cửu đỉnh được giới nghiên cứu đánh giá như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình. Các nghệ nhân thời xưa đã thể hiện một cách khái quát nhưng rất súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật nổi tiếng của mỗi miền đất nước, tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…

Các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh có thể xem như đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình, hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt.

Vì lẽ đó, Cửu đỉnh còn được coi là bộ sách địa chí của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện một tư tưởng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên Cửu đỉnh ở 3 chiếc đỉnh lớn nhất.

Đó là hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan - khắc trên Chương đỉnh). Trên hình là Đông Hải (Cao đỉnh): Vùng biển phía đông đất nước.

Gần 200 năm trôi qua với nhiều biến thiên thăng trầm, đến nay Cửu đỉnh vẫn được bảo vệ nguyên vẹn hình dáng như ban đầu. Điều đáng quý nữa, di sản này đều là những bản nguyên gốc và duy nhất, từ khi ra đời đến nay chưa từng phải sửa chữa.

Ngay khi có ý đồ đúc, Cửu đỉnh đã được coi như đồ quý ở nhà Tôn Miếu và sẽ được đặt ở vị trí trang trọng trong sân Thế Miếu. Để đặt từng chiếc đỉnh vào đúng vị trí, trước hết phải xác định tên gọi cho nó. Với ý đồ đúc Cửu đỉnh là để khẳng định nghiệp đế vương muôn năm bền vững, “Cửu đỉnh” với con số 9 kết thúc một vòng lịch đại đầy đủ, tương ứng với “cửu tộc”: được khởi đầu từ CAO tức thế hệ mở đầy, coi như chóp đỉnh và kết thúc ở HUYỀN là thế hệ sau cùng tức chỉ nơi sâu thẳm, khép kín 1 chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng. Từ CAO đến HUYỀN trong hệ thống thế thứ lịch đại, mỗi thế hệ tượng trưng cho một đức tính tốt; NHÂN là hiền lành, điều thiện; CHƯƠNG là giá trị chuẩn mẫu; ANH là vinh diệu nổi tiếng; NGHỊ là sự cứng rắn, cương quyết; THUẦN là sự hoàn thiện và thanh khiết; TUYÊN là sự truyền cảm tốt đẹp và DỤ là nguồn gốc sự thịnh vượng. Chính vì thế, con số 9 ở đây là số nhiều, đầy đủ nhất đến mức hoàn chỉnh, để rồi sang con số 10 sẽ trở lại từ đầu theo một chu kỳ mới. Là một lịch đại đầy đủ.
Trên Cửu đỉnh, tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. Ví dụ: 9 ngọn núi lớn Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang); 9 sông lớn (sông Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng); 9 con sông đào và sông khác (kênh Vĩnh Tế, sông Vĩnh Điện, sông Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, sông Cửu An, sông Ngân Hà)...

PHƯƠNG NHI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cuu-dinh-di-san-tu-lieu-the-gioi-10279786.html