Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: 'Nhận 1.000-2.000 USD không phải tiêu cực'
Ngoài việc phản bác cáo trạng, cựu Giám đốc BV Bạch mai Nguyễn Quốc Anh cho rằng việc nhận tiền vào các ngày lễ, tết 'không phải tiêu cực'.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói "không vụ lợi gì hết"
Từ sáng nay (20/1), TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cùng 7 đồng phạm về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".
Theo cáo buộc, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giữ vai trò chính trong việc cùng đồng phạm đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện trái quy định của pháp luật khi ký hợp đồng liên danh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai.
>
Việc này đã mang lại cho cá nhân ông Nguyễn Quốc Anh 400 triệu đồng cùng 10 nghìn USD, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho người bệnh.
Trả lời thẩm vấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh phản bác cáo trạng và cho rằng việc liên danh liên kết nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người bệnh, không phải ra nước ngoài điều trị.
Hơn nữa, việc ký hợp đồng liên danh, liên kết kết số 02/HĐLK ngày 27/2/2017 tại Bệnh viện Bạch Mai là phù hợp quy định, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi triển khai vào cụ thể đề án, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận có phần không đúng.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, bản thân không vụ lợi, việc liên kết này Bệnh viện Bạch Mai được hưởng 50%, sau 7 năm thì máy thuộc về bệnh viện.
"Lần đầu tiên bệnh viện đàm phán được sau 7 năm thì máy thuộc về bệnh viện, chúng tôi rất mừng vì chưa bao giờ đàm phán được như thế. Máy các nơi khác thì họ dùng đến lúc bỏ đi thì thôi, máy này thì sau 7 năm là của mình, hoàn toàn vì người bệnh, vì bệnh viện", bị cáo Quốc Anh khai trước tòa.
Trình bày về việc lợi ích riêng, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai nhận, vào các dịp lễ, tết, bị cáo Phạm Đức Tuấn (cựu Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty công nghệ y tế BMS có đến bệnh viện chúc tết Ban giám đốc, các khoa phòng và bị cáo.
"Mỗi lần bị cáo Tuấn đưa 10 – 20 triệu hoặc 1.000 – 2.000 USD nhưng tôi nghĩ đây không phải là chuyện tiêu cực. Cái này chỉ là những ngày lễ, Tết thôi. Tổng trong 3 năm trời có 100 triệu và 10 nghìn USD. Sau này khi nhận thức được số tiền đó không chính đáng nên tôi đã khắc phục”, cựu Giám đốc BV Bạch Mai nói.
Cuối xét hỏi, bị cáo Nguyễn Quốc Anh mong muốn HĐXX công tâm, để ông cùng nhóm đồng phạm sớm được về với cộng đồng.
"Tôi cũng không ngờ lại có ngày hôm nay, thực tế tôi không vụ lợi gì hết. Bản thân tôi rất nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, mong quý tòa xem xét", bị cáo Quốc Anh nói.
Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng nhưng ông cũng bày tỏ quan điểm đồng ý với chủ trương của ông Quốc Anh về việc ký liên doanh, liên kết lắp đặt robot phẫu thuật, bởi nó đem lại lợi ích rất nhiều cho cả bệnh viện, bệnh nhân.
Giám đốc Công ty BMS thấy xấu hổ với người bệnh
Tại tòa, bị cáo Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS thừa nhận trách nhiệm trong việc ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, dẫn đến sai phạm. Bị cáo xin nhận trách nhiệm trong việc ký hợp đồng không có tính chất pháp lý này.
Bị cáo Tuấn khai đã đến gặp trực tiếp ông Quốc Anh để giới thiệu sản phẩm Robot Rosa và đưa ra mức giá 39 tỷ đồng cho loại Robot này. Bị cáo cho rằng, Robot Rosa giá hơn 7,4 tỷ đồng là chưa tính các chi phí đào tạo để vận hành được máy.
Đến nay, bị cáo Tuấn đã khắc phục hậu quả số tiền 10 tỷ đồng và cho biết đã liên hệ với các bệnh nhân để mong muốn được chia sẻ, xin lỗi họ, bởi bị cáo Tuấn cho biết "thấy xấu hổ và ăn năn về việc mình làm khiến nhiều người bệnh thêm khó khăn không đáng có".
Tại tòa, cả bị cáo Quốc Anh và bị cáo Tuấn đều khai, họ không bàn với nhau để có giá 39 tỷ đồng cho Robot Rosa.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai chỉ thực hiện theo chủ trương của bệnh viện và làm theo phân công của lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo thừa nhận có sơ suất do không đọc lại các quy định thẩm định giá và thiếu thận trọng, tin tưởng vào đơn vị thẩm định giá.
Trước tòa, bị cáo Trịnh Thị Thuận (cựu kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng xảy ra sai phạm do bị cáo "thiếu thận trọng và sơ suất".
Theo cáo trạng, Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên năm 2016, bị cáo Phạm Đức Tuấn đã đến gặp ông Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng.
Ông Quốc Anh không đồng ý để Bệnh viện Bạch Mai mua vì thủ tục phức tạp nên hai bên thống nhất Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn tự đưa ra.
Ông Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Công ty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế. Để hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS nơi bị can Trần Lê Hoàng làm việc để VFS ban hành chứng thư thể hiện robot Rosa có giá 39 tỷ đồng dù loại robot này mới được nhập khẩu từ Pháp với giá 7,4 tỷ đồng.
Bệnh viện Bạch Mai đã căn cứ chứng thư thẩm định sai quy trình của Công ty VFS để ký hợp đồng liên doanh với Công ty BMS. Bị cáo Nguyễn Quốc Anh trong vai trò Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ban hành giá dịch vụ của robot Rosa là 36 triệu đồng/ca. Trong đó, Công ty BMS được hưởng hơn 27 triệu đồng, gồm chi phí khấu hao kèm lãi vay.
Tổng cộng, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức phẫu thuật có thu tiền bằng robot Rosa cho 637 ca, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh.
Quá trình thực hiện liên doanh, bị cáo Tuấn đã tặng tiền cho các lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Anh được tặng 400 triệu đồng và 10 nghìn USD, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền nhận 150 triệu đồng, bị cáo Trịnh Thị Thuận nhận 50 triệu đồng.