Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có mặt tại phiên tòa xét xử thổi giá thiết bị giáo dục
Ông Trần Trung Dũng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và ông Trịnh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh được triệu tập đến phiên tòa xét xử Công ty CP Công nghệ thông tin Lam Hồng gian lận để trúng nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh do Trung tâm tài chính công tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 5,1 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2017-2019, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm hàng hóa là thiết bị giáo dục để thực hiện chương trình 775 mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và Đề án 1436 đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Tổng dự toán là hơn 251,7 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng hơn 250,5 tỷ đồng. Trong đó, đăng ký qua Trung tâm tài chính công Hà Tĩnh để thực hiện 15 gói có giá hợp đồng gần 242 tỷ đồng, Sở GD&ĐT tự triển khai mua sắm 2 gói trị giá hơn 9,7 tỷ đồng.
Công ty CP Công nghệ thông tin Lam Hồng (Công ty Lam Hồng) tham gia dự thầu và trúng 2 gói thông qua Trung tâm tài chính công thực hiện, gồm các gói thầu TB 03.2017 “Mua sắm thiết bị dạy học và thiết bị văn phòng theo phương thức tập trung đợt 1 năm 2017” và gói thầu TB 03.2018 “Mua sắm máy tính, máy photo, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu và một số thiết bị khác đợt 1 năm 2018”, tổng giá trị hơn 75 tỷ đồng. Các gói thầu này đều được chỉ định cho Công ty CP Đầu tư và định giá AIC-Việt Nam (địa chỉ tại TP Hà Nội) thực hiện việc định giá.
Với mục đích vụ lợi để trúng thầu, Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Lam Hồng đã chỉ đạo xây dựng các hồ sơ dự thầu của các công ty khác nhau không đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, sau đó nhờ bạn bè, người thân làm đại diện cho các công ty này nộp hồ sơ và tham gia dự thầu. Mặc dù biết rõ bộ máy chiếu H-PEC HC-3356XLI có giá thị trường khoảng 14 triệu đồng/cái, màn chiếu khoảng 400 ngàn đồng/cái nhưng Thủy chỉ đạo lập hồ sơ dự thầu của Công ty Lam Hồng với giá máy chiếu là 30,45 triệu đồng/cái, màn chiếu 1 triệu đồng/cái.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu, thấy công ty mình không đủ năng lực dự thầu, Nguyễn Thanh Thủy đã liên hệ với Công ty H-PEC Việt Nam và Công ty CP Ứng dụng công nghệ và Dịch vụ viễn thông để liên danh, thỏa thuận Công ty Lam Hồng thực hiện 50% giá trị đảm nhận so với tổng giá dự thầu; hai công ty còn lại chia nhau mỗi đơn vị đảm 25% giá trị dự thầu. Để đảm bảo trúng thầu, Nguyễn Thanh Thủy chỉ đạo thực hiện hành vi thông thầu, liên hệ mượn hồ sơ năng lực các doanh nghiệp, xây dựng thêm 2 bộ hồ sơ dự thầu không đảm bảo yêu cầu của hồ sơ mời thầu để làm nhà thầu “quân xanh”, cùng tham gia đấu thầu. Với thủ đoạn này, liên danh Lam Hồng đã trúng thầu là hơn 39,76 tỷ đồng.
Ngày 11/9/2017, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ký hợp đồng mua sắm tài sản với giá trị hơn 22,3 tỷ đồng để mua máy tính xách tay, máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác, màn chiếu treo tường, giá treo máy, loa vi tính và phần mềm Kidsmart.
Sau khi trúng thầu, Công ty H-PEC và Công ty Viễn Thông không tiến hành cung cấp hàng hóa theo khối lượng công việc đã thống nhất trong thỏa thuận liên danh mà lập phụ lục liên danh ủy quyền cho Công ty Lam Hồng thực hiện 100% khối lượng công việc. Quá trình thực hiện Công ty H-PEC không ký Hợp đồng trực tiếp với Công ty Lam Hồng mà ký hợp đồng, xuất hóa đơn bán hàng cho đại lý của Công ty H-PEC tại Hà Tĩnh là Công ty TNHH Tân Minh Hà Tĩnh để doanh nghiệp này bán hàng cho Công ty Lam Hồng trước khi xuất hóa đơn cung cấp hàng hóa cho Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.
Thực tế, Công ty Tân Minh là doanh nghiệp do Nguyễn Thanh Thủy thành lập ra để thực hiện việc mua bán, nâng giá các thiết bị. Việc mua bán lòng vòng giữa Công ty H-PEC, Công ty Tân Minh và Công ty Lam Hồng dẫn đến các thiết bị đều bị nâng giá gần gấp đôi trước khi cung cấp cho Sở GD&ĐT.
Cơ quan điều tra xác định, chênh lệch giá trị hàng hóa mua vào, bán ra các loại thiết bị giáo dục của Công ty Lam Hồng tại gói thầu này là hơn 15 tỷ đồng. Trong đó, nhiều thiết bị đội giá như Máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL giá nhập chỉ 6,82 triệu đồng, Công ty H-PEC bán cho Công ty Tân Minh giá 14 triệu đồng, sản phẩm này bán lại cho Công ty Lam Hồng 22 triệu đồng và được Công ty Lam Hồng chào giá trúng thầu là 30,45 triệu đồng.
Âm ly đa năng di động H PEC MA318 nhập với giá 1,518 triệu đồng, Công ty Tân Minh bán 4,5 triệu và Lam Hồng chào giá trúng thầu 8,4 triệu đồng; Máy chiếu đa năng tích hợp tính năng tương tác HPEC HC-3356XL giá nhập 6,776 triệu đồng, qua Công ty Tân Minh lên đến 22 triệu và Lam Hồng bán cho Sở GD&ĐT với giá 30,45 triệu đồng...
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành yêu cầu định giá tài sản liên quan gói thầu này nhưng Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng tỉnh Hà Tĩnh kết luận không đủ cơ sở định giá các hàng hóa liên quan thiết bị giáo dục, chỉ định giá được tài sản là các màn chiếu treo tường H-PEC WS70. Do vậy, Cơ quan điều tra dựa vào lợi nhuận sau thuế, xác định thiệt hại cho ngân sách Nhà nước đối với gói thầu TB 03.2017 là hơn 3,93 tỷ đồng.
Tiếp đó, đầu năm 2018, mua sắm thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục với số tiền hơn 64,6 tỷ đồng, Công ty AIC-Việt Nam tiếp tục được lựa chọn chỉ định thầu. Quá trình đấu thầu, dự án này được chia làm 3 gói thầu khác nhau, trong đó có gói TB 03.2018 mua sắm máy tính, máy photo, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu và một số thiết bị khác trị giá hơn 17,7 tỷ đồng.
Với chiêu thức tiếp nhận thông tin hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành và thông thầu, dựng nên các hồ sơ “quân xanh” tương tự trước đó, Công ty Lam Hồng đã dễ dàng trúng thầu. Ngày 8/8/2018, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ký hợp đồng mua sắm tài sản với Công ty Lam Hồng, tổng giá trị mua sắm là hơn 13,7 tỷ đồng.
Vẫn tiếp tục chiêu thức cũ khi sản phẩm chạy lòng vòng qua nhiều đơn vị trung gian, mục đích là để nâng giá gần gấp đôi các thiết bị trước khi cấp cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Chênh lệch giá trị hàng hóa mua vào, bán ra các loại thiết bị giáo dục của Công ty Lam Hồng tại gói thầu TB 03.2018 được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng. Tương tự gói thầu trước đó, Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng tỉnh Hà Tĩnh ban hành kết luận không đủ cơ sở định giá các hàng hóa trong gói thầu này nên Cơ quan điều tra chỉ xác định được thiệt hại cho ngân sách là gần 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2017-2019, Công ty Lam Hồng còn trúng thầu 3 gói thầu mua sắm tài sản theo phương thức tập trung cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông qua Trung tâm tài chính công Hà Tĩnh tổ chức với vai trò liên danh cùng Công ty CP Thương mại Hồng Hà, Công ty CP Bảo Toàn và Công ty HPEC, với tổng giá trị hơn 53,2 tỷ đồng.
Cả 3 gói thầu này, Cơ quan CSĐT yêu cầu định giá tài sản nhưng Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng tỉnh Hà Tĩnh ban hành kết luận không đủ cơ sở định giá các hàng hóa trong các gói thầu nói trên. Cùng với đó, Công ty Lam Hồng còn trúng gói thầu 132 máy chiếu do Sở GD&ĐT tự tổ chức đấu thầu, với giá trị hơn 4,96 tỷ đồng. Do đã hết thời hạn điều tra vụ án nhưng chưa đủ căn cứ kết luận về các hành vi vi phạm của các cá nhân có liên quan tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nên Cơ quan điều tra đã tách toàn bộ tài liệu điều tra liên quan đến gói thầu 132 máy chiếu để điều tra, xử lý sau.
Ngày 5/8, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt 5 năm tù đối với Nguyễn Thanh Thủy (SN 1971), Giám đốc Công ty Lam Hồng; 4 năm tù đối với Trần Văn Tuân (SN 1978), Phó Giám đốc công ty. Ngoài ra, 2 nhân viên của công ty này gồm Trần Thị Thúy (SN 1991), Trần Thị Hải Huyền (SN 1993), bị phạt 3 năm tù treo cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.