Cựu lãnh đạo SCB khai quá trình phát hiện 'vai trò' của bà Trương Mỹ Lan
Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, khi tiếp xúc đề án tái cơ cấu, ông luôn thắc mắc rằng lấy nguồn nào để nuôi sống ngân hàng, chính việc tìm hiểu để trả lời câu hỏi này đã làm nổi lên vai trò của bà Trương Mỹ Lan.
Sáng nay (12/3), phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, HĐXX sẽ cho các luật sư tham gia xét hỏi.
Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, HĐXX và Viện kiểm sát đã xét hỏi xong các bị cáo, chuyển sang phần xét hỏi của các luật sư. HĐXX đề nghị các luật sư đăng ký xét hỏi, trong trường hợp không đăng ký coi như từ bỏ quyền xét hỏi tại phiên tòa.
Trong buổi xét xử chiều 11/2, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là luật sư đầu tiên tham gia xét hỏi.
Ông Phan Trung Hoài đã đặt các câu hỏi đối với bị cáo cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB). Trả lời các câu hỏi của luật sư Hoài, bị cáo Văn cho biết, khi tiếp xúc đề án tái cơ cấu, ông luôn thắc mắc rằng lấy nguồn nào để nuôi sống ngân hàng? Chính việc tìm hiểu để trả lời câu hỏi này đã làm nổi lên vai trò của bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Văn cũng cho biết tham gia SCB từ tháng 7/2013, nên những vấn đề SCB trước đó bị cáo không rõ. SCB trong dạng tái cơ cấu nên không có giai đoạn nào là không có sự giám sát, việc giám sát thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), SCB có nhiệm vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu. NHNN đánh giá thế nào thì bị cáo Văn không rõ. Khi hợp nhất, SCB đã ở dưới mức tiêu chuẩn. Nếu không có nguồn lực thật sự mạnh thì sẽ không làm được.
Ký theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan?
Trước đó, cũng trong buổi chiều 11/3, đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi các bị cáo cựu lãnh đạo SCB, là bị cáo Trương Khánh Hoàn, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung.
Trả lời Viện Kiểm sát, các bị cáo cựu lãnh đạo SCB khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người quyết định tại SCB. Về sổ, sách mặc dù bà Lan chỉ đứng 4,9% nhưng thực chất bà Lan nắm phần phần lớn cổ phần SCB.
Các cựu lãnh đạo SCB cũng khai nhận, các hồ sơ mà các bị cáo ký đều theo chỉ đạo của bà Lan, là do tin tưởng bà Lan ở tài năng kinh doanh, có khả năng giúp SCB. Bà Lan thường triệu tập cuộc họp với lãnh đạo SCB, tại các cuộc họp này, bà Lan chỉ đạo giải ngân cho vay. Việc bổ nhiệm các lãnh đạo SCB phần lớn cũng theo ý kiến của bà Lan.
Cũng theo các cựu lãnh đạo SCB, khi cần tiền, bà Lan sẽ tổ chức họp, chỉ đạo lập hồ sơ, giải ngân, và thực hiện các công việc liên quan. Năm 2021, bà Lan mua lại Công ty Lavifood, giao cho cháu gái là Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) quản lý.
Trình bày trước Tòa, bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) cho biết, các cá nhân đứng tên giùm thường được yêu cầu ký vào những vị trí cuối tờ giấy được đánh dấu sẵn, sau đó bị cáo sẽ cho in thông tin lên giấy tùy theo nhu cầu. Việc chi trả do kế toán quản lý thực hiện, nguồn tiền lấy từ các khoản giải ngân.
Bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) trình bày rằng, đối với số tiền 1500 tỷ đồng là phí dịch vụ của bị cáo. Bị cáo Trước cũng khai thêm, bà Lan luôn có danh sách các dự án dư nợ xấu tại SCB. Bà Lan có cho bị cáo xem dự án Thanh Yến, khi xem, bị cáo thấy dự án này làm không có lãi, nhưng bà Lan nói bị cáo cứ làm, lỗ thì bà Lan sẽ bù. Tuy nhiên sau đó bà Lan lại bảo bị cáo tập trung làm pháp lý và cho Tường Việt làm tổng thầu cung cấp trang thiết bị và lấy lại dự án này cho Trương Huệ Vân và Công ty Vivaland làm.