Cứu mẹ con sản phụ nguy kịch sau bữa ăn trưa
Sau bữa ăn trưa, người phụ nữ đang mang thai 31 tuần xuất hiện mẩn ngứa, đỏ da toàn thân, khó thở...
Thai phụ 20 tuổi (ở Hà Nội) được người nhà đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp không đo được do tụt huyết áp, thở rít khó khăn vì phù nề.

Bác sĩ nỗ lực cấp cứu cho mẹ con thai phụ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 - mức độ nặng nhất theo phân loại của Bộ Y tế. Lập tức thai phụ được hồi sức khẩn cấp bằng Adrenalin liều cao nhưng tình trạng không cải thiện. Trong khi đó, sinh mạng của thai nhi cũng bị đe dọa khi mẹ tụt huyết áp khiến máu không cung cấp đủ ôxy.
Với thai nhi 31 tuần, các bác sĩ nhận định chỉ có khoảng 10 phút để can thiệp trước khi nguy cơ tổn thương não hoặc tử vong xảy ra. Lúc này, nhịp tim thai chỉ còn 50-60 nhịp/phút (bình thường 140 nhịp/phút), thai đã suy nặng do thiếu ôxy.
Trước tình trạng nguy kịch của cả hai mẹ con, bác sĩ Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng Khoa sản bệnh, hội ý nhanh với lãnh đạo Khoa Gây mê hồi sức, quyết định thực hiện ca mổ khẩn cấp, vừa hồi sức cho mẹ, vừa cứu thai nhi.
Chưa đầy 5 phút sau khi vào phòng mổ, bác sĩ đã đón bé trai nặng 1,8 kg chào đời. Trẻ được cấp cứu kịp thời.
Trong khi đó, tình trạng của sản phụ vẫn rất nguy hiểm, tiếp tục được hỗ trợ thở máy và sử dụng vận mạch liều cao.
Sau khoảng 10 giờ cấp cứu tích cực, sản phụ dần thoát khỏi tình trạng sốc phản vệ. Gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện. Ba tuần sau, bé trai khỏe mạnh trở về với gia đình.
Các bác sĩ khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng cần thận trọng khi ăn uống và luôn thông báo tình trạng dị ứng với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm mới để phòng tránh những biến cố nguy hiểm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-me-con-san-phu-nguy-kich-sau-bua-an-trua-196250218163902221.htm