Điều cấm kỵ khi chế biến một số loại rau phổ biến

Bạn không nên hâm lại các món rau dền, rau cải, rau muống và bắp cải… vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư.

Nhiều người có thói quen hâm nóng thức ăn thừa từ ngày hôm trước để ăn lại. Chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình (Trung Quốc) khẳng định không lãng phí thức ăn là đức tính tốt nhưng có một số loại thực phẩm thực sự không nên hâm nóng nhiều lần và để qua đêm vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư.

Sau đây là 3 loại thực phẩm không thích hợp để hâm nóng nhiều lần.

Rau lá xanh: Rau lá xanh có hàm lượng nitrat cao, nếu để nguội rồi đun lại nhiều lần, không chỉ mất chất dinh dưỡng mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn có đủ thời gian phân hủy nitrat thành các chất không tốt. Khi xâm nhập vào cơ thể, những chất độc đó có thể gây ra nguy cơ ung thư. Những loại rau không thích hợp để đun nóng nhiều lần bao gồm rau dền, rau cải, rau muống và bắp cải. Đó đều là những loại rau được ưa chuộng trong các gia đình.

Bạn không nên hâm lại các món ăn có rau. Ảnh minh họa: Ban Mai

Bạn không nên hâm lại các món ăn có rau. Ảnh minh họa: Ban Mai

Hải sản: Ngoài nguy cơ sinh sôi nhiều vi khuẩn, hải sản để quá lâu còn có thể gây ra quá trình oxy hóa protein. Nếu không được bảo quản đúng cách hoặc nấu chín hoàn toàn, hải sản có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, buồn nôn và nôn mửa. Do đó, bạn nên ăn cua, tôm, động vật có vỏ trong cùng một ngày.

Thực phẩm chiên sẵn: Thực phẩm chiên rán bán trên thị trường thường không được chế biến bằng dầu chất lượng cao. Không chỉ thế, dầu hay bị đun sôi lâu. Cách làm này sẽ tạo ra acrylamide, một chất gây ung thư, có thể gây tổn thương mạn tính cho cơ thể. Vì vậy, bạn không nên hâm lại đồ chiên ở nhiệt độ cao.

Các lưu ý khác khi ăn rau xanh

Rau lá xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng để tận dụng tối đa dinh dưỡng và đảm bảo an toàn, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng:

1. Chuẩn bị và chế biến đúng cách

Theo The Times, cách bạn chế biến rau lá xanh có thể ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng dinh dưỡng. Một số vitamin và khoáng chất nhạy cảm với nhiệt và có thể bị mất trong quá trình nấu nướng. Để giữ lại giá trị dinh dưỡng, nên hấp rau thay vì luộc, vì phương pháp này giúp bảo toàn chất chống oxy hóa và flavonoid.

2. Cẩn trọng với chất kháng dinh dưỡng

Rau lá xanh chứa chất kháng dinh dưỡng như axit phytic, tannin và lectin, có thể cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hóa. Theo Health, những hợp chất này không gây hại khi ăn với lượng vừa phải nhưng tiêu thụ quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Để giảm tác động của chúng, có thể áp dụng các phương pháp như ngâm, lên men hoặc nấu chín. Ngoài ra, kết hợp rau xanh với nhiều loại thực phẩm khác cũng giúp cân bằng dinh dưỡng.

3. Đảm bảo an toàn thực phẩm

Rau lá xanh có thể chứa vi khuẩn hoặc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, cần rửa rau kỹ dưới vòi nước chảy trước khi ăn để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và hóa chất còn sót lại. Đối với các loại rau ăn sống, rửa đúng cách càng quan trọng để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bạn nên bảo quản rau ở nơi mát mẻ hoặc trong ngăn đựng rau của tủ lạnh để giữ độ tươi và giá trị dinh dưỡng.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dieu-cam-ky-khi-che-bien-mot-so-loai-rau-pho-bien-2372460.html