Cứu người đàn ông bị đột quỵ ở sân bay
Trong thời gian chờ lên máy bay, người đàn ông đột ngột ngã quỵ, tri giác lơ mơ.
Ngày 10/12, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Tới, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa can thiệp thành công cho bệnh nhân nam 52 tuổi, bị đột quỵ não.
Trước đó, bệnh nhân đột ngột ngã quỵ trong lúc chờ lên máy bay. Tri giác của người đàn ông lơ mơ, hỏi không trả lời, nói đớ, yếu nửa người. Gia đình lập tức đưa ông vào Bệnh viện Thống Nhất.
Theo bác sĩ Tới, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp còn trong giờ vàng (giờ thứ 2 sau khi xuất hiện triệu chứng). Sau khi khoa Cấp cứu kích hoạt báo động đỏ, các bác sĩ của Đơn vị đột quỵ đã có mặt, sẵn sàng chuẩn bị phòng mổ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng Nội Thần kinh, cho biết trước khi can thiệp mạch, bác sĩ thần kinh liên tục kích động bệnh nhân trong vòng 5 phút.
Sau khi xem chỉ số cận lâm sàng, các bác sĩ quyết định điều trị cho người bệnh bằng phương pháp tiêu huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Lúc này, bệnh nhân diễn biến xấu, liệt nửa người bên phải nên được can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông.
Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, tri giác trở về bình thường, chức năng vận động hồi phục nhưng còn nói khó.
Đột quỵ là tình trạng một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu hoặc có sự tắc nghẽn làm ngăn cản máu và oxy đến các mô não. Trong tình trạng không có oxy, mô và các tế bào não bị tổn thương và chết với tốc độ nhanh chóng.
Bác sĩ Nga cho biết bệnh nhân nói trên may mắn được cấp cứu thành công do chuyển đến bệnh viện trong giờ vàng đột quỵ. Trung bình mỗi quý, Bệnh viện Thống nhất tiếp nhận khoảng 200 ca đột quỵ, bao gồm xuất huyết não và nhồi máu não.
Thông thường, 3-4 giờ đầu tiên khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ được xem là "thời gian vàng" do lúc này các dấu hiệu vừa mới xuất hiện. Sau thời gian này, vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề sẽ bị hư hại, khó phục hồi, khả năng giữ được mạng sống rất thấp.
"Người bị đột quỵ thường có dấu hiệu nói đớ, méo miệng, tê yếu nửa người... Trước cơn đột quỵ, người bệnh có thể gặp triệu chứng thoáng qua như thiếu máu não. Những người có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, tim bẩm sinh, cao huyết áp, lớn tuổi..., thường có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ", bác sĩ Nga khuyến cáo.
Hiện chi phí điều trị đột quỵ được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Chi phí can thiệp hút huyết khối khoảng 65 triệu. Với bệnh nhân cần đặt stent mạch máu, chi phí có thể đến hàng trăm triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 20%.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuu-nguoi-dan-ong-bi-dot-quy-o-san-bay-post1161859.html