Cựu Phó Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ lãnh 30 năm tù

Với 2 lần bị xét xử cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cộng thêm tội giả mạo trong công tác, bị cáo Phùng Thế Dũng (sinh năm 1968, trú phường Phước Long, TP. Nha Trang) - cựu Phó Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ các tỉnh Nam Trung Bộ đã phải lãnh mức án sau khi tổng hợp là 30 năm tù. Đồng phạm với bị cáo Dũng là Lê Thị Mỹ Hớn (sinh năm 1989, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, cựu kế toán văn phòng) lãnh 8 năm tù.

Lập khống hồ sơ để chiếm đoạt tiền

Theo cáo trạng, Báo Văn nghệ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp do Hội Nhà văn Việt Nam làm đơn vị chủ quản, có Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ các tỉnh Nam Trung Bộ (nay là Văn phòng đại diện Báo Văn nghệ khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, viết tắt là VPĐD Báo Văn nghệ) đặt tại Nha Trang. Trước ngày 1-6-2017, Dũng được bổ nhiệm là Phó VPĐD, Hớn làm kế toán; sau ngày này, Dũng được bổ nhiệm là Quyền Trưởng VPĐD. Để tạo điều kiện nâng cao đời sống cho người lao động, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á Nha Trang (viết tắt là Ngân hàng Đông Á) đã ký các thỏa thuận liên kết với VPĐD Báo Văn nghệ cho vay tiêu dùng trả góp tín chấp đối với cán bộ, nhân viên của VPĐD Báo Văn nghệ với một số điều kiện cụ thể.

Hai bị cáo trước tòa.

Hai bị cáo trước tòa.

Lợi dụng việc này, từ tháng 6 đến tháng 9-2016, Dũng chỉ đạo Hớn đánh máy, lập khống nhiều tài liệu, như: Hợp đồng lao động; quyết định nâng lương; sao kê 3 tháng tiền lương; rồi Dũng ký, đóng dấu vào các tài liệu này, qua đó hợp thức hóa hồ sơ vay tiền cho 24 cá nhân bên ngoài thành cán bộ, nhân viên của VPĐD Báo Văn nghệ. Dũng đặt điều kiện sẽ giúp làm hồ sơ vay tiền nhưng những người này phải nâng mức tiền vay cao hơn nhu cầu, Dũng lấy phần tiền chênh lệch. Hớn biết rõ các cá nhân đó không phải cán bộ, nhân viên của VPĐD, không đủ điều kiện vay tiền ngân hàng nhưng vẫn làm theo chỉ đạo của Dũng, trực tiếp đưa hồ sơ cho ngân hàng thẩm định và đưa các cá nhân đến ngân hàng nhận tiền. Tổng số tiền mà Ngân hàng Đông Á đã duyệt vay cho 24 trường hợp hơn 2,1 tỷ đồng. Trong số tiền này, Dũng lấy hơn 1,2 tỷ đồng, còn 910 triệu đồng đưa cho 24 cá nhân vay theo thỏa thuận. Hàng tháng, họ đưa tiền cho Dũng để Dũng trả ngân hàng tương ứng với số vay thực tế họ nhận, còn Dũng trả cho ngân hàng tương ứng với phần tiền Dũng nhận.

Giám định cho thấy, hình dấu tròn, đỏ, ghi: “Hội Nhà văn Việt Nam - VPĐD Báo Văn nghệ các tỉnh Nam Trung Bộ” trên tài liệu cần giám định so với mẫu dấu so sánh không cùng một con dấu đóng ra. Các hợp đồng lao động ghi thời gian từ năm 2012 đến 2013 nhưng lại dùng con dấu từ ngày 10-7-2014 đến nay để đóng.

Bị cáo Dũng không thành khẩn khai báo

Từ ngày 15 đến 17-1, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án này. Tòa nhận định, bị cáo Dũng không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, chưa bồi thường cho bị hại. Bị cáo chủ mưu, chỉ đạo và tự thực hiện các hành vi phạm tội; là người chiếm đoạt tài sản và trực tiếp ký, đóng dấu lên các tài liệu có nội dung không đúng, giả mạo. Bị cáo lại đang thi hành bản án khác. 2 bị cáo làm khống nhiều hồ sơ, chiếm đoạt tài sản nhiều lần nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 2 lần trở lên. Bị cáo Hớn có hành vi phạm tội rất hạn chế; biết việc lập các hợp đồng, giấy tờ, tài liệu có nội dung không đúng là sai trái nhưng vì là cấp dưới, làm theo chỉ đạo và chịu sự chi phối của bị cáo Dũng; tham gia với vai trò giúp sức, không đáng kể, không có động cơ cá nhân, không hưởng lợi từ việc làm của mình; sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bồi thường khắc phục một phần hậu quả; nhân thân tốt, lần đầu phạm tội…

Hội đồng xét xử tuyên án.

Hội đồng xét xử tuyên án.

Đối với 24 trường hợp đứng tên vay ngân hàng, có 11 trường hợp chỉ biết Dũng có thể làm được hồ sơ vay, không biết rõ thủ tục, điều kiện được vay nên đã làm theo hướng dẫn của Dũng, không có ý thức chiếm đoạt nên không phải đồng phạm giúp sức cho Dũng; 13 trường hợp còn lại chưa làm việc được nên đang thông báo truy tìm, khi nào đủ cơ sở sẽ tiếp tục đề nghị xem xét, xử lý.

Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo Dũng 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù về tội giả mạo trong công tác, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là 26 năm tù; tổng hợp với bản án 6 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, buộc bị cáo Dũng chấp hành 30 năm tù (theo quy định án có thời hạn không quá 30 năm tù). Bị cáo Hớn bị xử phạt 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội giả mạo trong công tác, tổng hợp thành 8 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Ngân hàng Đông Á yêu cầu bị cáo Dũng phải trả lại hơn 1,8 tỷ đồng, gồm nợ gốc gần 909 triệu đồng, tổng nợ lãi gần 917 triệu đồng. Tòa xác định, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo trong công tác; yêu cầu bị cáo trả khoản lãi trên một giao dịch trái pháp luật, vi phạm pháp luật về hình sự là không có cơ sở nên chỉ chấp nhận yêu cầu bồi thường khoản nợ gốc. Trong 11 trường hợp vay tiền nêu trên, 5 người đã trả hết và thanh lý hợp đồng; 5 người còn nợ gốc gần 225 triệu đồng, phải trả ngân hàng là phù hợp (5 người này có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bị cáo trả); 1 người có vay 100 triệu đồng nhưng bị cáo Dũng đã nhận toàn bộ, hiện còn nợ hơn 65 triệu đồng gốc nên bị cáo phải trả ngân hàng khoản này. Vì vậy, tòa buộc bị cáo Dũng phải trả lại cho Ngân hàng Đông Á số nợ gốc hơn 684 triệu đồng; buộc 5 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp lại số tiền còn nợ ngân hàng tổng cộng gần 225 triệu đồng. Ngân hàng Đông Á phải nộp án phí dân sự sơ thẩm đối với khoản lãi gần 917 triệu đồng không được tòa chấp nhận.

NGUYỄN VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202401/cuu-pho-van-phong-dai-dien-bao-van-nghe-lanh-30-nam-tu-d687eed/