Cựu sỹ quan Hải quân Mỹ phân tích công nghệ đặc biệt trong tàu ngầm mới của Trung Quốc

Thiết kế tàu ngầm mới của Trung Quốc với bánh lái tiên tiến giúp cải thiện khả năng cơ động và tàng hình, chìa khóa cho các hoạt động trên biển.

Mẫu tàu ngầm mới của Trung Quốc với thiết kế bánh lái tiên tiến được cho là đang báo hiệu sự tiến bộ nhanh chóng của nước này trong công nghệ tàu ngầm. Theo các nhà phân tích, sự thay đổi này có khả năng ảnh hưởng đến cuộc cạnh tranh về chiến đấu dưới nước, khi so sánh với các lực lượng như Mỹ.

The War Zone hồi tháng 7 đưa tin tàu ngầm Trung Quốc có bánh lái hình chữ X cải tiến đã xuất hiện tại xưởng đóng tàu Vũ Xương ở trung tâm Vũ Hán. Tom Shugart, một sỹ quan tác chiến tàu ngầm đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, hiện là cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), là người đã phân tích hình ảnh vệ tinh và phát hiện tàu ngầm này.

Thiết kế tàu ngầm mới của Trung Quốc với bánh lái tiên tiến giúp cải thiện khả năng cơ động và tàng hình, chìa khóa cho các hoạt động trên biển. (Ảnh minh họa)

Thiết kế tàu ngầm mới của Trung Quốc với bánh lái tiên tiến giúp cải thiện khả năng cơ động và tàng hình, chìa khóa cho các hoạt động trên biển. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, tàu ngầm mới có vẻ dài hơn đáng kể so với tàu ngầm lớp Nguyên Type 039A mà Trung Quốc đang có. Tàu ngầm dài ước tính từ 82,9m - 85m và có lượng giãn nước khoảng 3.600 tấn.

Báo cáo của The War Zone cho rằng thân tàu mở rộng có thể chứa các ô hệ thống phóng thẳng đứng (VLS). Đây là tính năng hiếm thấy ở tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường nhưng cũng từng xuất hiện trong hạm đội của các quốc gia khác, chẳng hạn như tàu lớp Dakar của Israel và tàu lớp Dosan Ahn Changho của Hàn Quốc.

Đối với bánh lái hình chữ X, báo cáo cho biết thiết kế này giúp tăng khả năng cơ động, hiệu quả và an toàn cho tàu, đồng thời giảm tiếng ồn, khiến nó đặc biệt phù hợp cho các hoạt động ở các vùng ven biển.

Tàu ngầm bánh lái hình chữ X có thể đánh dấu sự nâng cấp đáng kể trong thiết kế tàu ngầm của Trung Quốc, dựa trên các tàu lớp Nguyên. Trước đây, một nâng cấp khác đã được đưa ra là thiết kế buồm góc, giúp tàu giảm khả năng bị sóng sonar phát hiện.

Trung Quốc không ngừng nâng cao năng lực tác chiến dưới nước, trong đó tàu ngầm là một lĩnh vực trọng tâm đáng kể.

Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD) lưu ý rằng quân đội Trung Quốc vận hành hỗn hợp các tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel/không cần không khí (SSK).

Báo cáo cho biết hạm đội tàu ngầm Trung Quốc dự kiến sẽ được mở rộng đáng kể, ước tính tăng lên khoảng 65 đơn vị vào năm 2025 và 80 đơn vị vào năm 2035. Báo cáo cho rằng sự tăng trưởng này là do năng lực đóng tàu ngầm ngày càng tăng của Trung Quốc và việc họ đưa tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến (ASCM) vào tàu ngầm thông thường.

Ngoài ra, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) vào tháng 9/2023, Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển tàu ngầm thông thường với hệ thống Động cơ Không phụ thuộc không khí (AIP) mặc dù có khả năng đóng tàu ngầm hạt nhân.

Các chuyên gia đánh giá lý do đằng sau chiến lược này bắt nguồn từ những thách thức về mặt địa lý. Do các tàu ngầm nhỏ, yên tĩnh hơn sẽ dễ vận hành ở vùng biển ven bờ Trung Quốc hơn. Công nghệ AIP đặc biệt có lợi thế trong những môi trường này, cho phép tàu ngầm hoạt động hiệu quả hơn là các tàu ngầm với công nghệ tinh vi.

Ngoài ra, theo chuyên gia, việc Trung Quốc tập trung vào phát triển tàu ngầm thông thường, bất chấp khả năng phát triển tàu ngầm hạt nhân, phản ánh một cách tiếp cận chiến lược phù hợp với nhu cầu hoạt động của nước này. Tuy nhiên, tốc độ hạn chế của SSK cũng cần được xem xét.

Trong bài viết của Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) vào tháng 6/2018, Michael Walker và Austin Krusz lập luận rằng mặc dù tàu ngầm hạt nhân có ưu thế về công nghệ, Hải quân Hoa Kỳ nên tăng cường hạm đội của mình bằng tàu ngầm thông thường do những thách thức về chiến lược và tài chính.

Walker và Krusz cho biết trong khi tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình và bền bỉ, thì chi phí cao và áp lực sản xuất khiến hạm đội tàu hạt nhân không phải là một lựa chọn lâu dài.

Trong khi đó SSK, đặc biệt là những tàu có AIP, đã tăng khả năng tàng hình và mang đến một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, SSK có thể được sản xuất nhanh hơn và với số lượng lớn hơn.

Tóm lại, họ cho rằng một hạm đội hỗn hợp gồm tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường sẽ mở ra nhiều khả năng hơn.

Phương Anh (Nguồn: Asia Times )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cuu-sy-quan-hai-quan-my-phan-tich-cong-nghe-dac-biet-trong-tau-ngam-moi-cua-trung-quoc-ar887261.html