Cựu TNXP Thủ đô chung tay xoa dịu vết thương chưa lành trong lòng đồng đội
Bằng những việc làm thiết thực thông qua các chương trình như: 'Vì tình nghĩa đồng đội', 'Xây nhà tình nghĩa'..., các cựu TNXP Thủ đô mong được tiếp tục góp sức, dù chỉ một phần nhỏ để cùng xoa dịu những vết thương chưa lành trong lòng đồng đội.
Một buổi sáng mùa hè tháng 7, tại trụ sở Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) TP Hà Nội, tiếng cười nói rôm rả vang lên giữa những mái đầu bạc.
Trong căn phòng nhỏ chất đầy tài liệu, hồ sơ, hai người đàn ông đang ngồi rà lại danh sách hội viên khó khăn cần hỗ trợ nhà tình nghĩa trong đợt kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Một người nhanh nhẹn, giọng sang sảng. Người kia chậm rãi, tỉ mẩn ghi chú từng dòng. Đó là ông Nguyễn Khổn và ông Trần Văn Tré - hai cựu TNXP từng đi qua lửa đạn chiến tranh, nay lại cùng vai sát cánh trên mặt trận đời thường.
Những mảnh ghép ký ức
Ông Khổn và ông Tré không quen nhau từ chiến trường, mà mãi về sau mới gặp và cùng tham gia trong Ban tổ chức công tác thi đua - tuyên truyền của Hội cựu TNXP TP Hà Nội. Nhưng chỉ cần một lần trò chuyện, ký ức lập tức kéo họ xích lại gần. Những câu chuyện rực cháy tuổi trẻ cứ thế ùa về.

Ông Trần Văn Tré vẫn tiếp tục đóng góp sức mình vào các hoạt động của Hội TNXP TP Hà Nội, kết nối các đồng đội năm xưa (Ảnh nhân vật cung cấp).
Ông Tré kể, năm 17 tuổi, ông viết đơn tình nguyện vào TNXP. Lúc ấy, ông và hàng trăm nam nữ thanh niên Thủ đô được phân công về các trọng điểm giao thông quanh Hà Nội. Từ quốc lộ 1A, đường 70 đến các bến cầu phao Chương Dương - Đền Ghềnh, Vạn Kiếp - Phú Viên, Vân Đồn - Thạch Cầu… Không kể ngày đêm, mưa nắng, công việc của ông là rải đan cầu phao, san lấp hố bom, giải tỏa hàng hóa ở ga Gia Lâm, Yên Viên, Văn Điển.
"Ban ngày không làm được vì máy bay Mỹ đánh phá liên tục. Chúng tôi chỉ có thể làm ban đêm, làm thâu đêm đến rạng sáng. Có hôm vừa tháo cầu xong, chưa kịp rút quân thì máy bay ập đến", ông Tré kể.
Sau đó, ông Tré tiếp tục nhận nhiệm vụ tại Tổng đội TNXP xây dựng Thủ đô. Trong trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, ông trực tiếp tham gia ứng cứu tại những nơi tang thương nhất Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên - nơi chỉ sau một đêm, bom đạn đã biến tất cả thành đống hoang tàn đổ nát.
Tại Bạch Mai, bom Mỹ đánh sập nhiều dãy nhà, vùi lấp cả một khoa đang có bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên và bệnh nhân. Máy móc không thể tiếp cận, bác cùng mọi người chỉ còn cách đào tay, bới đất, bế từng viên gạch, khối bê tông, chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho những người còn mắc kẹt.
Giọng ông nghẹn lại khi kể về ký ức ám ảnh nhất đời mình: một bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định đau đớn tột cùng - tháo khớp tay con gái ruột để đưa em ra khỏi đống đổ nát. Không còn lựa chọn nào khác, đó là cách duy nhất để giữ lại sự sống cho con. Một vết thương không chỉ trên thân thể, mà là vết cắt sâu vào tim người cha - người thầy thuốc.

Cựu TNXP Nguyễn Khổn (Ảnh nhân vật cung cấp).
Nghe vậy, ông Khổn trầm ngâm, rồi kể lại thời gian mình làm TNXP trên các tuyến lửa miền Trung. Từ năm 1965, ông tham gia đơn vị làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, rồi sang tận Khăm Muộn (Lào). Những đoạn đường san lấp hố bom, sửa cầu gãy, nối ray đường sắt... luôn trong tầm ngắm máy bay Mỹ.
Một ký ức đau thương khắc sâu trong lòng ông Khổn là vụ bom Mỹ đánh sập núi Nấp, núi Nhồi (Thanh Hóa), khiến 13 nữ TNXP Thái Bình hy sinh.
Phát hiện tuyến giao thông trọng yếu, máy bay Mỹ đánh phá liên tục suốt 60 ngày đêm. Ngày 11/5/1967, trong lúc tiểu đội xung kích 873 phối hợp công nhân đường sắt khẩn trương vá đường, nối ray dưới chân núi Nấp để thông tàu trước 21h, thì lúc 20h45, máy bay Mỹ bất ngờ thả bốn quả bom trúng đội hình. 13 nữ TNXP cùng bốn công nhân hy sinh tại chỗ.
Đơn vị ông Khổn nhận lệnh cứu hộ, hành quân xuyên đêm tới hiện trường. Khung cảnh ám ảnh: Đất đá đổ nát, những đôi dép cao su rách, mảnh áo lẫn máu và bụi đất. Các chiến sĩ đôi mươi lặng lẽ tìm đồng đội giữa tiếng động cơ vẫn rền rĩ.
Bác Khổn nhớ lại: "Không ai bảo ai, tất cả đều hiểu phải khẩn trương. Vì chúng tôi nắm chắc quy luật đánh phá của máy bay địch - rằng sau một trận oanh tạc lớn, vài ngày sau sẽ tiếp tục ném bom bồi để triệt hạ lực lượng cứu viện".
Nhờ sự mưu trí, linh hoạt của chỉ huy và kinh nghiệm thực tiễn, đơn vị nhanh chóng sơ tán ngay trong đêm. Vài giờ sau, đúng như dự đoán, bom Mỹ lại trút xuống khu vực đó. Nhưng lần này, không còn ai ở lại. Sự nhanh nhạy đã cứu sống cả đơn vị, nhưng ký ức đau thương ấy, ông Khổn chưa bao giờ quên: "Chỉ cần chậm một chút thôi, có lẽ chẳng còn ai kể lại câu chuyện này nữa".
Rời quân ngũ năm 1970, ông về làm báo, rồi tiếp tục công tác tại Hội Cựu TNXP Hà Nội. "Tôi nghĩ, còn sống là còn trách nhiệm. Đồng đội mình có người chưa kịp trở về, người thì ốm yếu bệnh tật, nếu mình khỏe, mình phải làm điều gì đó cho họ", ông nói.
Cũng như ông Khổn, ông Trần Văn Tré còn tiếp tục góp sức vào các công trình dân sinh như đào hồ nước, xây trường học, nhà ở...
Vẹn nghĩa đồng đội, sâu nặng ân tình
Ông Khổn và ông Tré gặp nhau, cùng tham gia sinh hoạt tại Hội cựu TNXP TP Hà Nội với vai trò là Trưởng, Phó Ban Tổ chức công tác thi đua - tuyên truyền, cùng với các thành viên trong Hội phát động chương trình sửa chữa nhà cho cựu TNXP khó khăn, neo đơn.
Ông Khổn giỏi vận động, viết bài, làm hồ sơ chính sách. Ông Tré am hiểu từng đơn vị cũ, từng đồng đội khó khăn, tổ chức các buổi truyền thống, tọa đàm cho thế hệ trẻ.




Ông Trần Văn Tré và ông Nguyễn Khổn cùng các cựu TNXP thuộc Hội cựu TNXP TP Hà Nội tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ TNXP Hà Nội tại địa danh lịch sử - Bến phà Khuyến Lương ngày 25/7.
"Chúng tôi không chia nhau việc. Ai mạnh gì làm nấy. Cái chính là cùng hướng về đồng đội cũ và trao truyền tinh thần TNXP cho lớp trẻ", ông Tré chia sẻ.
Nhiều năm qua, nhờ sự đóng góp bền bỉ của hai ông và các cựu TNXP, các đồng đội trong Hội cùng với các tổ chức, ban ngành khác, 78 mái ấm cho các cựu TNXP khó khăn, neo đơn đã được dựng lên. Hàng trăm cựu TNXP được trợ cấp, tư vấn chế độ. Hàng nghìn học sinh, sinh viên được nghe kể chuyện truyền thống từ chính nhân chứng sống.
"Chúng tôi không cần được biết đến nhiều. Chỉ cần lớp trẻ hiểu rằng tự do, hòa bình không đến dễ dàng và đất nước này từng có những người đi qua bom đạn chỉ để giữ cho tuyến đường thông suốt, cho xe qua kịp giờ", ông Khổn nói.
"Còn sống là còn kể, còn kể là còn truyền lửa", ông Tré xúc động chia sẻ.