Cựu tù Côn Đảo dùng thơ ghi lại cảm xúc ngày chiến thắng Điện Biên Phủ
Giữa những ngày tháng 5/1954, lúc này cựu tù Nguyễn Thành Hưng đang sống những ngày cùng cực trong nhà tù Côn Đảo bỗng nghe thông tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Cả nhà tù lúc này như bừng lên sức sống để nghĩ về một ngày thoát khỏi nơi này.
Nhà tù Côn Đảo được ví như “Địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù khét tiếng nhất thế giới. Vì thế, hầu hết cựu tù nơi đây dù hi sinh hay được trở về cùng gia đình đều phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khiến cho cuộc sống, sức khỏe của họ trở nên khó khăn.
Một trong số ít cựu tù Côn Đảo còn sống là cụ Nguyễn Thành Hưng (sinh năm 1928), quê ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Qua lời kể của ông Nguyễn Hữu Khánh (sinh năm 1959 - nguyên cán bộ Đại học Công đoàn - Hà Nội) - người con trai thứ 2 và hồ sơ lý lịch của cụ Nguyễn Thành Hưng có thể thấy, cụ tham gia phong trào cách mạng tại địa phương từ những năm 1944.
Đáng chú ý, vào tháng 2/1952 khi đang là Bí thư Chi bộ Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh, trong một đợt càn quét của địch vào làng cụ Hưng bị bắt cùng 3 du kích, bị tra tấn và đẩy vào nhà tù Hỏa Lò sau đó bị đưa ra Côn Đảo.
"Cha tôi kể lại, những ngày tháng ở Côn Đảo trước sức ép của kẻ thù những người tù cách mạng như ông đã phải chịu vô vàn khổ cực, tra tấn tưởng chừng như không còn đường trở lại quê hương", ông Nguyễn Hữu Khánh cho biết.
Tại nhà tù Côn Đảo, tháng 10/1952 cụ Hưng cùng đồng đội tham gia đấu tranh diệt phản động và vượt tù nhưng bị bắt lại và bị giam tại xà lim biệt lập của nhà tù này hơn 1 năm. Khoảng thời gian này không dài nhưng là ác mộng với cụ và các chiến sĩ cách mạng cùng thời khác khiến cụ nhớ mãi không quên những cảm xúc lúc bấy giờ.
Tháng 7/1954 cụ Hưng được đưa từ nhà tù Côn Đảo về trao trả tại Sầm Sơn. Trở về địa phương, ngày 14/5/1957 cụ được phục hồi Đảng - tịch và chức vụ Huyện ủy viên. Tại đây cụ tiếp tục cống hiến cho phong trào địa phương và cũng từ đây những cảm xúc thơ ca bộc dậy mạnh mẽ trong tâm hồn cụ. Lúc này cụ Hưng bắt đầu dùng ngòi bút của mình để tái hiện lại những cảm xúc đã qua trong những sự kiện của cuộc đời. Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Khánh, những cảm xúc về Côn Đảo luôn là những day dứt lớn lao và sâu đậm nhất với cụ, đặc biệt trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tiếc thay vì công việc nên tận năm 1988 cụ Hưng mới bắt đầu làm thơ và từ năm 1995 cụ bắt đầu tham gia vào Câu lạc bộ thơ Lý Thái Tổ và Câu lạc bộ thơ Đền Đô. Cũng chính từ đây hơn 100 tác phẩm thơ do cụ Nguyễn Thành Hưng chắp bút đã ra đời. Đáng chú ý, tập thơ mang tên "Những vần thơ tâm tình" do ông Nguyễn Hữu Khánh biên soạn và in đã thể hiện trọn những tâm tình một thời máu lửa của cụ Hưng nơi nhà tù Côn Đảo cũng như những cảm xúc rất đời thực khi cụ trở về quê hương.
Chia sẻ về câu chuyện của cha mình nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Hữu Khánh cho biết: “Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, cha tôi lại xúc động khi nhớ về thời kháng chiến, nhớ những ngày tháng cùng đồng đội dầm mình trong mưa bom bão đạn để chống lại kẻ thù xâm lược. Không ít lần ông bồi hồi, mong muốn được gặp lại những người đồng đội của mình còn sống sót trong cuộc kháng chiến năm xưa để ôn lại kỷ niệm”.
Cũng theo lời kể của ông Khánh, vào năm 2000 khi nhớ về những cảm xúc của ông và đồng đội tại nhà tù Côn Đảo khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ cụ Hưng đã làm bài thơ "Chiến thắng Điện Biên Phủ với Côn Đảo" trong đó có những câu mở đầu:
Nhờ chiến thắng Điện Biên
Tù binh ngoài Côn Đảo
Trao trả về đất liền
Thật là “giấc mơ tiên"
Ông Khánh cho hay, theo lời kể của cha mình thì những ngày tháng 5/1954 giữa những cơn kìm kẹp của địch ông và đồng đội dù không nói ra nhưng ai cũng nghĩ đến việc sẽ phải bỏ xác lại nơi đảo xa heo hút này. Chính những ngày tháng đó cụ đã phải đau đớn chứng kiến sự ra đi của những người đồng đội ngã xuống vì cách mạng.
Cuộc vượt Đảo qua lâu
Lòng thương xót buồn đau
Tám mươi mốt đồng đội
Xác chìm đắm biển sâu.
Chỉ khi nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ tâm hồn họ mới thực sự được sưởi ấm. Sức sống mới sục sôi trong những người tù cách mạng khi được tiếp thêm động lực để hi vọng vào ngày về mà cụ gọi là "giấc mơ tiên".
Nhân dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cụ Nguyễn Thành Hưng cũng bồi hồi nhớ lại và viết những dòng tái hiện:
Suốt mười hai ngày đêm
Bom nổ như sấm rền
Mỹ đánh phá Hà Nội
Tội ác chất chồng thêm”.
“Hà Nội lập chiến công
Điện Biên Phủ trên không
B52 tan xác
Bắt sống nhiều phi công
Không chỉ sáng tác về Điện Biên Phủ, về Côn Đảo, nhờ đa dạng đề tài nên không ít tác phẩm của cụ Nguyễn Thành Hưng đã gây chú ý trong những câu lạc bộ thơ cụ tham gia. Đặc biệt, bài thơ "Đình Bảng quê tôi" còn được phổ nhạc và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhiều người yêu thích.
Tháng 5 lại về, dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe yếu phải nhờ tới sự chăm sóc của con cháu nhưng mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ cụ Nguyễn Thành Hưng lại bồi hồi nhớ lại những ngày cùng đồng đội nếm mật nằm gai.
Mỗi dịp như vậy cụ lại kể những câu chuyện xưa cho con cháu cùng nghe để dạy lớp trẻ về truyền thống của cha ông và coi đó như cách để tri ân những đồng đội đã nằm lại nơi Côn Đảo xa xôi.