Cựu tướng Ấn Độ: Mỹ từng nói không thể chia sẻ công nghệ hạt nhân với đồng minh
Mỹ từng nói với Ấn Độ rằng luật pháp nước này buộc Washington không thể chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân với bất cứ nước nào, kể cả với đồng minh.
Câu chuyện được nói đến nhiều nhất những ngày qua sau khi Mỹ, Anh, Australia công bố liên minh mới (AUKUS) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là phản ứng dữ dội của Pháp sau khi bị đâm sau lưng.
Nhưng các chuyên gia cũng chờ đợi các bình luận từ Ấn Độ - quốc gia nằm trong Bộ tứ Kim cương và là một nhân tố quan trọng trong nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc trong khu vực của Mỹ.
Không thể chia sẻ kể cả với đồng minh
Trong bài viết đăng tải trên Twitter tuần trước, cựu Tư lệnh hải quân Ấn Độ Arun Prakash cho rằng AUKUS có thể khiến New Delhi bất mãn.
"Trong nhiều năm, người Mỹ nói với Ấn Độ rằng luật pháp Mỹ khiến Washington không thể chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân với bất cứ nước nào, kể cả đồng minh. Thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn cùng 4 thỏa thuận nền tảng khác cũng không thể thay đổi điều này. Nhưng giờ thì...", ông này cho biết.
Ấn Độ và Mỹ từng ký kết một thỏa thuận trong đó Washington đồng ý hướng tới hợp tác hạt nhân dân sự hoàn toàn với New Delhi để đổi lấy việc Ấn Độ tách biệt các cơ sở hạt nhân dân sự và quân sự của mình, đồng thời đặt tất cả các cơ sở hạt nhân dân sự dưới sự bảo vệ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Thỏa thuận không bao gồm hợp tác hạt nhân quân sự.
Trong những năm tiếp theo, 2 nước ký 4 hiệp ước nền tảng bao gồm hợp tác quân sự sâu rộng và tiếp cận các loại vũ khí tinh vi. Tương tự như trước, các thỏa thuận này không bao gồm công nghệ hạt nhân quân sự.
Theo Srinath Raghavan, giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Ashoka, việc mong đợi Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân quân sự với Ấn Độ là không thực tế.
"Ấn Độ không phải là đồng minh hoặc bị ràng buộc với Mỹ bởi bất kỳ hiệp ước nào, trong khi Australia là đồng minh thân thiết của Mỹ kể từ Thế chiến II", ông Raghavan phân tích.
Quan hệ Mỹ - Ấn trở nên thân thiết từ năm 2000, nhưng quan hệ chiến lược - an ninh giữa Mỹ với Australia và Anh còn phát triển hơn thế.
Ông Raghavan lưu ý rằng, Mỹ cũng đã bỏ qua cả Pháp - một đồng minh thân cận ở châu Âu khi lập liên minh mới với Anh và Australia. Do đó Ấn Độ không nên quá nghiêm trọng hóa vấn đề.
Navtej Sarna, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Washington lưu ý trước đây Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ với Anh trong khi Australia là một phần của liên minh an ninh với Mỹ và New Zealand được gọi là hiệp ước ANZUS.
"Tôi nghĩ không nên so sánh quan hệ Mỹ-Ấn và Mỹ-Australia", ông Sarna cho hay, nói thêm rằng lịch sử và động lực của 2 cặp quan hệ này có nhiều khác biệt.
Theo ông Sarna, New Delhi nên xem xét các tác động của AUKUS ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Nếu nó giúp ích cho việc chống lại Trung Quốc trong khu vực, điều đó sẽ có lợi cho Ấn Độ", ông này cho hay.
Chính phủ Ấn Độ tới nay vẫn chưa bình luận về sự ra đời của AUKUS.
Một số nguồn tin cho biết, Canberra đã thông báo ngắn gọn với New Delhi về AUKUS trước khi nó được công bố.
Tuần này, Thủ tướng Narendra Modi sẽ lên đường sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Kim cương (QUAD) trực tiếp đầu tiên tại Washington. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Biden.
Các chuyên gia Ấn Độ tin rằng việc AUKUS được công bố trước đềm thượng đỉnh QUAD gửi đi thông điệp rõ ràng đây sẽ là một biện pháp răn đe nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Sự giúp đỡ từ Nga
Sudarshan Shrikhande, một cựu đô đốc Ấn Độ cho biết sau chiến tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc, New Delhi bắt đầu tiếp cận với Mỹ để nhờ hỗ trợ xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình. Nhưng Washington không sẵn lòng giúp đỡ.
Kết quả là quốc gia Nam Á quay sang Liên Xô.
"Năm 1963-64, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ dẫn đầu một phái đoàn tới Mỹ để thảo luận về tàu ngầm nhưng Mỹ đã từ chối chúng tôi. Họ nói rằng hãy tới gặp người Anh - nhà cung cấp truyền thống của các bạn. Nhưng Anh đề nghị giao cho chúng tôi một số tàu ngầm rất cũ và lỗi thời. Sau đó, chúng tôi chuyển sang Nga và mua tàu ngầm loại 641 (lớp Nato Foxtrot)", ông này nói.
Cựu đại sứ Sarna cho biết Ấn Độ tìm kiếm hợp tác quốc phòng với Nga vì hệ thống vũ khí sẵn có, dễ tiếp cận, giá cả hợp lý và quan hệ ngoại giao. Người Ấn cũng đã quen với các hệ thống và vũ khí của Nga.
Ấn Độ sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình theo một hợp đồng cho thuê kéo dài 3 năm từ Liên Xô vào năm 1988.
Năm 2012, New Delhi tiếp tục thuê một tàu ngầm hạt nhân chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Nga là là K-152 từ lớp Akula. Hợp đồng lần này kéo dài 10 năm. Tuy nhiên, tới tháng 6/2021, Ấn Độ trả tàu này lại cho Nga do lỗi kỹ thuật.
New Delhi đang chờ đợi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ ba từ Nga, dự kiến sẽ về tay nước này vào năm 2026.
Theo một quan chức cấp cao Ấn Độ, việc thuê thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân từ Nga không chỉ là điều khôn ngoan mà còn rất cấp thiết với an ninh quốc gia Ấn Độ bởi nó nó có thể tác chiến tại các vùng biển xa xôi, nơi tàu mặt nước và không quân hải quân không thể vươn tới. Ấn Độ phải thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga do công ước quốc tế cấm bán tàu ngầm hạt nhân tấn công.