Đã bám sát, rà soát để xử lý những vướng mắc trong thực tiễn
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều nay, 13.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Bảo đảm yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn
Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cho giữ tên gọi là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 227/TTr-CP. Tên gọi này được đề xuất trên cơ sở dự thảo Luật đã định nghĩa rõ “quy hoạch đô thị và nông thôn” không mang ý nghĩa là một bản quy hoạch mà thể hiện các quy hoạch được lập tại địa bàn đô thị hoặc nông thôn.
"Quá trình chỉnh lý dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến để hoàn thiện các điều liên quan theo hướng rõ ràng hơn về nội dung, đối tượng, phạm vi lập quy hoạch đô thị và nông thôn, chỉnh sửa quy định giải thích từ ngữ “đô thị” và “nông thôn” để thể hiện đúng nội hàm khái niệm phản ánh trình độ phát triển của một đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc một khu vực trong đơn vị hành chính lãnh thổ", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 3), Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên thực tiễn, đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, tổ chức xen kẽ và được quản lý theo các cấp chính quyền hành chính. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ về lãnh thổ để bảo đảm yêu cầu trong sự chuyển hóa không gian đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, cách phân loại “quy hoạch đô thị”, “quy hoạch nông thôn” như dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành, thực tế triển khai chưa phát sinh vướng mắc. Vì vậy, đề nghị tiếp tục quy định 5 loại quy hoạch đô thị và nông thôn như Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy.
Về quy hoạch chung xã tại khoản 2 Điều 3 và Điều 28, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh sửa theo hướng không yêu cầu lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà thể hiện nội dung quy hoạch chung xã trong quy hoạch chung huyện (điểm d khoản 2 Điều 27); quy định cụ thể về việc chỉ lập riêng quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, điều kiện tự nhiên đặc thù tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện (khoản 6 Điều 27 và Điều 28); bổ sung quy định phân cấp trong trường hợp cần điều chỉnh cục bộ nội dung quy hoạch chung xã được tích hợp trong quy hoạch chung huyện thì UBND cấp huyện có thể chủ động điều chỉnh để thực hiện, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc điều chỉnh cục bộ tuân thủ theo yêu cầu chung đối với quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 6) và nguyên tắc về hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 7).
"Quy định như vậy bảo đảm hiệu quả lập quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch, vừa tránh việc có quá nhiều quy hoạch không cần thiết gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, vừa bảo đảm địa phương vẫn có công cụ quy hoạch để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định chuyển tiếp đối với quy hoạch chung xã, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện sau khi Luật này được ban hành", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Quy hoạch nông thôn phải gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất tích cực, khẩn trương trong việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH phát biểu tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua. Tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Báo cáo đầy đủ dài 94 trang, Báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn cũng dài tới 16 trang, rất kỹ lưỡng.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đây là dự luật khó, chuyên ngành sâu và phạm vi tác động rộng, trong khi công tác quy hoạch thời gian qua cũng có những khó khăn, vướng mắc, nhưng các quy định tại dự thảo Luật đã bám sát và rà soát để xử lý những vướng mắc trong thực tiễn.
Về vấn đề quy hoạch chung xã, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tán thành với hướng không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã thể hiện như nội dung ở điểm d khoản 2 Điều 27 mà chỉ trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan, điều kiện tự nhiên đặc thù. Tại thời điểm lập quy hoạch chung của huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung trong nhiệm vụ quy hoạch chung của huyện theo quy định ở khoản 6 Điều 27 và Điều 28. "Để tránh quá nhiều quy hoạch ở cấp cơ sở, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là các hoạt động liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, do đó, xã nào thấy cần thiết phải lập quy hoạch chung thì tỉnh sẽ xác định, dự thảo Luật cũng quy định theo hướng đó, tôi rất đồng tình", Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị rất cân nhắc khi áp dụng chung quy hoạch đô thị và nông thôn ở vùng đồng bằng đối với miền núi. Nhấn mạnh quan điểm quy hoạch để phát triển nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng lưu ý, quy hoạch phải bảo đảm bền vững, giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của người dân ở vùng này cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền này. Vì thế cũng cần có sự nhìn nhận, tiếp cận sự phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào cư trú ở miền núi theo hướng phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, gắn với du lịch, nhất là du lịch văn hóa cộng đồng.
"Có thể quy hoạch đối với vùng này không cần đầu tư quá lớn về hạ tầng tập trung đông dân cư mà nên thành từng nhóm dân cư định cư, các trung tâm đô thị miền núi gắn với bản sắc văn hóa vùng miền, xuất phát và thúc đẩy nội lực của chính người dân, sẽ tạo thành điều kiện hơn và phù hợp với các chương trình quốc gia chúng ta đang triển khai".
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị tại 1, khoản 2, khoản 3 Điều 26 cân nhắc bổ sung thêm yêu cầu c, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
"Trong điểm g khoản 3 chủ yếu có yếu tố về bảo vệ môi trường. Ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu bắt buộc, không thể nói rằng chúng ta chống mãi được, nhất là vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số thì cần phải có yêu cầu về bảo vệ rừng, địa hình và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng phù hợp với văn hóa của dân tộc, nhất là dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng này và cũng được thể hiện trong các khoản của Điều 26, có thể nguyên tắc tại khoản 1, còn khoản 2, khoản 3 thì các tiêu chí cụ thể hơn", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.