Đã có 944 doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 1/2025, mức tăng thấp nhất trong 6 quý gần đây

Tính đến ngày 5/5/2025, đã có 944 doanh nghiệp niêm yết đại diện 96,1% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh cho quý 1/2025. Lợi nhuận sau thuế tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong 6 quý gần đây...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 5/5/2025, đã có 944 doanh nghiệp niêm yết đại diện 96,1% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh cho quý 1/2025. Lợi nhuận sau thuế tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất trong 6 quý gần đây, phản ánh xu hướng tăng trưởng đang bước vào giai đoạn ổn định sau nhiều quý hồi phục từ nền thấp.

So với quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết này giảm 3,1%, do tác động từ kết quả kém đi ở nhóm Phi tài chính giảm 12,2%. Trong khi đó, nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng khiêm tốn tăng 5,3%.

Nhóm Tài chính đóng vai trò chính trong việc duy trì đà tăng trưởng của toàn thị trường trong quý 1/2025 với lợi nhuận sau thuế tăng 14,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ vào Ngân hàng tăng 15,3%.

Tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong quý 1/2025 đóng góp chủ yếu từ nhóm NHTM cổ phần (MBB, VPB, STB, HDB và SSB) nhờ tín dụng mở rộng và biên lãi thuần (NIM) cải thiện. Ngược lại, nhóm NHTM nhà nước (VCB, CTG, BID) có lợi nhuận tăng thấp so với cùng kỳ trong bối cảnh NIM thu hẹp và tín dụng tăng thấp.

Trong khi đó, Dịch vụ tài chính chủ yếu là Chứng khoán tiếp tục là điểm trừ khi ghi nhận mức giảm -4,7% do điều kiện thị trường không thuận lợi cho hoạt động môi giới và đầu tư.

Nhóm Phi tài chính: Hồi phục mạnh ở Điện, Vật liệu xây dựng, Chăn nuôi, Xuất khẩu, Bán lẻ. Lợi nhuận sau thuế ở nhóm Phi tài chính tăng 11,8%, thấp hơn mức tăng trưởng chung, nhưng bức tranh tổng thể tiếp tục cho thấy sự phân hóa mạnh trong nhóm Phi tài chính.

Cụ thể, một số ngành duy trì đà hồi phục ấn tượng như Bán lẻ (MWG, FRT, DGW), Thủy sản (VHC, ANV, IDI), Dệt may (VGT, TCM, STK, HTG), Chăn nuôi (DBC, HAG, MML), Điện (POW, REE, GEG, VSH), VLXD (BMP, NTP). Ngoài ra, Truyền thông đạt mức tăng trưởng đột biển trong quý 1/2025, chủ yếu đến từ VEF (+11.202,3%) nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng Bất động sản, do đó không phản ánh xu hướng chung của toàn ngành.

Cần lưu ý rằng mức tăng trưởng cao của nhóm Xuất khẩu (Thủy sản, Dệt may) trong quý 1/2025 chưa phản ánh tác động từ kế hoạch áp thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế đề xuất có thể lên tới 46%.

Nhóm có lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng ổn định là Công nghệ thông tin (+21,1%) nhờ FPT (+20,1%) và CMG (+45,9%) trong khi lợi nhuận của ngành Thép gần như đi ngang với mức tăng nhẹ (+1,7% so với cùng kỳ). Ngược lại, một số ngành đang quay lại trạng thái suy giảm, bao gồm Sữa (VNM), Bia (SAB), Đường (QNS), Hàng không (HVN), Viễn thông (VGI).

Riêng HVN ghi nhận mức giảm -21,5% lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2025, chủ yếu do không còn khoản thu nhập bất thường từ việc xóa nợ của Pacific Airlines như cùng kỳ năm trước.

Điểm tích cực đáng chú ý là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVN vẫn duy trì đà tăng mạnh, tăng 90,3% so với cùng kỳ trong quý này.

Với Bất động sản, nhóm Bất động sản nhà ở và Bất động sản Khu công nghiệp cùng đạt tăng trưởng cao về lợi nhuận, đóng góp chủ yếu bởi VHM (+193,3%), KDH (+85,5%), NLG (+269%), GVR (+108,6%), KBC (+1206,6%). Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Bất động sản dân cư tầm trung báo lợi nhuận sau thuế đi ngang (DXG, PDR) hay thậm chí báo lỗ như NVL, DIG.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/da-co-944-doanh-nghiep-cong-bo-loi-nhuan-quy-1-2025-muc-tang-thap-nhat-trong-6-quy-gan-day.htm