Việt Nam tích cực, chủ động đàm phán thuế đối ứng với Mỹ

Việt Nam đã tích cực, chủ động trong đàm phán về thuế đối ứng với Mỹ, đồng thời bình tĩnh, chủ động tiến hành nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và đạt kết quả bước đầu tích cực.

Việt Nam - Mỹ đàm phán thuế đối ứng từ ngày 7-5

Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung thực hiện kinh tế - xã hội 2024, kế hoạch những tháng đầu năm 2025 tại phiên khai mạc kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam sẽ có phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ về vấn đề thuế quan vào ngày 7-5 tới. Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những quốc gia mà phía Mỹ ưu tiên đàm phán về chính sách thuế quan.

Ngày 10-4-2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương

Ngày 10-4-2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương

Báo cáo gửi tới Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập tới vấn đề Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam. Theo Người đứng đầu Chính phủ, đây là một trong những khó khăn mà nước ta phải đối mặt trong những tháng đầu năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã bình tĩnh, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, bước đầu có kết quả tích cực.

Có thể nói, hơn 1 tháng qua, kể từ ngày Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các nền kinh tế trên toàn thế giới, theo đó Mỹ đồng loạt áp mức thuế chung là 10% đối với tất cả các nền kinh tế, có hiệu lực từ ngày 5-4. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chịu mức thuế rất cao là 46%, chỉ sau Campuchia 49%, Lào 48%.

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố hoãn áp thuế 90 ngày nhưng mức thuế đối ứng rất cao - lên tới 46% - với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho thương mại và nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cách Việt Nam có sự ứng phó tích cực, chủ động và linh hoạt trong vấn đề thuế đối ứng với Mỹ.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của nước ta, đã trực tiếp điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Ngay sau cuộc điện đàm cấp cao, Tổng Bí thư Tô Lâm đã cử Đặc phái viên là Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ để tiếp tục đàm phán. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, vào ngày 23-4 đã điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer, nhằm chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Tiếp đó, đoàn đàm phán kỹ thuật của Việt Nam cũng đã có mặt tại Mỹ vào ngày 1-5-2025 để phối hợp cùng các cơ quan chức năng Mỹ làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại, cơ chế xuất nhập khẩu, nhằm giải quyết tận gốc những lo ngại từ phía Mỹ.

Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn vừa qua đã trực tiếp chủ trì 6 cuộc họp về thuế đối ứng của Mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam nhờ thực hiện nhiều giải pháp, kết quả đàm phán thương mại với Mỹ bước đầu theo chiều hướng tích cực dù rằng vẫn còn thách thức.

Việc trực tiếp điện đàm ở cấp cao nhất, cử các đoàn đàm phán cấp cao cho tới việc ban hành nhiều chỉ đạo cụ thể trong nước, Việt Nam đã thể hiện rõ hình ảnh của một quốc gia có trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng hành động trên cơ sở hài hòa lợi ích, đồng thời vẫn duy trì sự tôn trọng với đối tác chiến lược. Đây là biểu hiện của một quốc gia chủ động, tích cực và trách nhiệm, có khả năng điều hành kinh tế trong môi trường toàn cầu nhiều biến động phức tạp.

Hướng tới trao đổi thương mại bền vững, lâu dài Việt Nam - Mỹ

Cùng với việc tích cực, chủ động đàm phán về thuế đối ứng, Việt Nam thời gian qua đã có những nỗ lực để tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, mở rộng nhập khẩu nông sản như đậu nành, bông, thịt… và tiếp tục đẩy mạnh mua máy bay, chíp, nhập khí hóa lỏng LNG của Mỹ. Điều này giúp hài hòa hơn cán cân thương mại giữa hai nước, đồng thời thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ.

Bộ Công Thương cho biết, hiện giữa hai nước đã có cơ chế đối thoại chính sách thành lập theo Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ. Vì vậy, các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương, nếu có, sẽ được chủ động trao đổi thông qua TIFA. Đây là cơ chế đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả nhằm củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia, kiến tạo tầm nhìn chung, góp phần định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phuong.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã chủ động giao các bộ, ngành rà soát những vướng mắc, xây dựng phương án xử lý những vấn đề Mỹ quan tâm; trên cơ sở thương mại công bằng, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng hài hòa, thỏa đáng lợi ích của các bên. Việt Nam đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào quá trình hình thành, phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm ở Việt Nam, nhất là các dự án năng lượng trọng điểm (năng lượng mới, hydrogen, điện hạt nhân...), tạo tiền đề để tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng, nhiên liệu, thiết bị máy móc, công nghệ từ Mỹ, qua đó góp phần cải thiện cán cân thương mại giữa hai nuớc.

Tại cuộc họp thứ 6 gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu những giải pháp cụ thể với các bộ ngành, cơ quan liên quan, theo đó phải sớm đàm phán ký hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ như khí hóa lỏng (LNG), máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản... Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc này nhằm đảm bảo cân bằng thương mại bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.

Hiện, Việt Nam đang tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, bản quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phải chủ động làm việc với phía Mỹ, giải thích rõ những vấn đề họ quan tâm. Từng bộ ngành liên quan được yêu cầu xây dựng phương án đàm phán cụ thể. Trong đó, Bộ Công Thương tổng hợp, sớm hoàn thiện phương án đàm phán.

Những hành động nhanh chóng, tích cực của Việt Nam cải thiện cán cân thương mại với Mỹ theo hướng bền vững và lâu dài đã được phía Mỹ ghi nhận và đánh giá cao. Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia được Mỹ ưu tiên lựa chọn tiến hành đàm phán về thuế đối ứng.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson L. Greer, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá cuộc họp trực tuyến về thương mại song phương với Việt Nam là “hiệu quả”. Theo đó, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh tiến trình hướng tới “quan hệ thương mại cân bằng và có đi có lại giữa Mỹ và Việt Nam”.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-tich-cuc-chu-dong-dam-phan-thue-doi-ung-voi-my-post610849.antd