Đa dạng các giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Tại huyện Tháp Mười, để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đời sống người dân được cải thiện khi tham gia, thụ hưởng các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, cơ hội học nghề, việc làm.

Ban Liên lạc đồng hương Đồng Tháp - Cụm 2 tại TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND huyện Tháp Mười, các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình từ thiện trao quà cho học sinh, hộ nghèo (Ảnh: Hoàng Kha)

Ban Liên lạc đồng hương Đồng Tháp - Cụm 2 tại TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND huyện Tháp Mười, các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình từ thiện trao quà cho học sinh, hộ nghèo (Ảnh: Hoàng Kha)

Chương trình MTQGGNBV luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm thực hiện, đưa vào Chương trình hành động, Nghị quyết, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo hằng năm. UBND huyện thành lập và phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững huyện Tháp Mười; thành lập Tổ giúp việc thực hiện Chương trình MTQGGNBV, giáo dục nghề nghiệp và việc làm. Đồng thời phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn hỗ trợ người dân tiếp cận các dự án và thực hiện các mô hình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Trung ương, huyện và cộng đồng; giải ngân các dự án, tiểu dự án góp phần tạo việc làm, dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia dự án. Đồng thời tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo với 43 cuộc, 2.570 người tham gia; tiếp nhận gần 190 lượt ý kiến về vay vốn mua bán, chăn nuôi, nước sạch và nhà vệ sinh; hỗ trợ chi phí học tập, xin việc làm, đào tạo nghề, chế độ khám bệnh bảo hiểm y tế... Các ý kiến được các thành viên Tổ công tác trả lời tại buổi đối thoại.

Ngoài ra, UBND huyện, các ngành, đơn vị hưởng ứng thực hiện phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, “Ngày vì người nghèo”... thông qua việc vận động, tiếp nhận các nguồn lực trong xã hội được hơn 17.700 triệu đồng. Trong đó, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động hỗ trợ cất 476 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn (trong đó, từ nguồn vận động hỗ trợ và gia đình đối ứng). Hỗ trợ đột xuất 15 trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do hỏa hoạn theo quy định với tổng số tiền 298 triệu đồng.

Các dự án, mô hình thuộc Chương trình MTQGGNBV đã hỗ trợ vốn để tạo việc làm, giúp hộ dân biết cách làm ăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ để từng bước thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Qua thời gian triển khai thực hiện, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các dự án, tiểu dự án tại huyện Tháp Mười mang lại hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong cộng đồng vì phù hợp với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đa số các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia dự án được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều ngành nghề phù hợp với năng lực quản lý, kỹ thuật, tài chính. Đồng thời được tiếp cận với nguồn vốn từ 20 triệu - 40 triệu đồng, hoặc ngoài việc đi làm thuê sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi để tạo thêm nhiều sinh kế mới, giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập. Qua khảo sát các mô hình, dự án, phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn huyện giúp hơn 175 lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, UBND huyện Tháp Mười, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các xã, thị trấn còn thực hiện tốt công tác kết nối, tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyên truyền học nghề, việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại địa phương, giúp người dân tiếp cận nhiều thông tin về thị trường lao động trong, ngoài huyện, ở nước ngoài...

Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV và công tác vận động, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội huyện thường xuyên tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đối với người nghèo; tập trung công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên cơ sở rà soát số lượng và nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, học sinh, sinh viên để có kế hoạch tổ chức, thực hiện phù hợp.

D.C

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/da-dang-cac-giai-phap-ho-tro-nguoi-dan-on-dinh-cuoc-song-126801.aspx