Đa dạng hàng hóa phục vụ Tết

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, không khí mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị đã trở nên tấp nập. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán đa số các mặt hàng vẫn ổn định...

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, không khí mua sắm tại các cửa hàng, siêu thị đã trở nên tấp nập. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán đa số các mặt hàng vẫn ổn định, chỉ rất ít loại hàng hóa có hiện tượng tăng giá và khan hiếm cục bộ. Bên cạnh đó, thị trường năm nay ghi nhận xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi đối với một số mặt hàng.

Nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết của người dân trong những ngày gần đây đã tăng mạnh.

Nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết của người dân trong những ngày gần đây đã tăng mạnh.

Dạo qua nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị và một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Thái Nguyên, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy đó là không khí sắm Tết tương đối tấp nập. Đến mua hàng tại Siêu thị Lan Chi, bà Nguyễn Thị Hoa, tổ 2, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Kinh tế năm nay khó khăn, cộng thêm việc mùng 2 Tết chợ đã mở lại nên tôi chỉ mua mỗi thứ một ít, không tích trữ như trước. Riêng đối với bánh kẹo, tôi ưu tiên chọn những mặt hàng sản xuất trong nước, giá cả hợp lý và chỉ mua với số lượng vừa phải. Năm nay, gia đình tôi thống nhất chỉ mua những gì thật cần thiết, chỉ chi tiêu trong khoảng 15-17 triệu đồng, tiết kiệm khoảng 4-5 triệu đồng so với các năm trước.

Thắt chặt chi tiêu cũng là tâm lý chung của nhiều gia đình trong dịp Tết năm nay. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, hàng hóa có mức tiêu thụ chậm hơn so với cùng thời điểm này những năm trước. Chị Nghiêm Thị Nga, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Cách mạng Tháng Tám (TP. Thái Nguyên) cho biết: Từ ngày 15 tháng Chạp trở đi, nhu cầu mua sắm của người dân đã bắt đầu gia tăng. Năm nay, nhiều người có xu hướng sắm Tết sớm. Tuy nhiên, lượng hàng bán ra chỉ bằng 70-80% so với Tết Nguyên đán năm 2023...

Trái ngược với chị Nga, chị Nguyễn Thu Trang, kinh doanh hàng tạp hóa tại phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) lại rất phấn khởi khi thông tin lượng hàng bán ra từ đầu tháng Chạp đến nay tăng khá nhiều. Theo chị Trang, nguyên nhân có thể đến từ việc cửa hàng của gia đình chị mới được xây dựng lại khang trang, rộng rãi và bày được nhiều hàng hơn.

"Đến thời điểm này, một số mặt hàng chúng tôi đã bán hết, đang phải chờ nhà phân phối cung cấp. Trong đó bán chạy nhất là một số loại bia, nước cam đóng lon, bánh kẹo. Ngoài ra, một số loại bia có in hình và chữ chúc mừng năm mới cũng “cháy hàng”, do số lượng nhà sản xuất tung ra thị trường hạn chế" - chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Các mặt hàng trang trí Tết có mức giá từ 500-800 nghìn đồng được bày bán khá bắt mắt tại một số chợ trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Các mặt hàng trang trí Tết có mức giá từ 500-800 nghìn đồng được bày bán khá bắt mắt tại một số chợ trên địa bàn TP. Thái Nguyên.

Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh, bắt đầu từ năm ngoái, ngày càng có nhiều người chuyển hướng sang dùng các loại rượu, bia không độ. Riêng đối với giỏ quà Tết đóng sẵn năm nay sức tiêu thụ giảm khoảng một nửa so với những năm trước, thay vào đó, người dân chuyển sang tìm mua từng sản phẩm rồi cho vào túi, do lo ngại các sản phẩm đóng sẵn bị cận “date” hoặc không đảm bảo chất lượng.

Một thay đổi nữa có liên quan đến việc thanh toán của người dân đó là số người trả tiền mặt ngày càng ít, thay vào đó là bằng hình thức chuyển khoản, nhất là những đơn hàng có giá trị cao.

Đối với việc bán hàng tại các siêu thị, chị Trần Thị Duyên, Quản lý Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên) phân tích: Do tình hình kinh tế khó khăn chung nên giá trị trung bình của mỗi đơn hàng năm nay không cao. Thêm nữa, những loại bánh kẹo, rượu, bia nhập khẩu không còn là sự lựa chọn của nhiều người. Trước đó, chúng tôi cũng đã nhận định được điều này nên chủ động giảm lượng nhập đối với mặt hàng này và về tổng thể, Siêu thị giảm khoảng 20-30% lượng hàng nhập vào so với Tết 2023.

Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa Tết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ảnh: T.L

Nhằm bình ổn thị trường hàng hóa Tết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng của tỉnh đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ảnh: T.L

Để đảm bảo nguồn cung và không lo các mặt hàng bị biến động về giá, ngay từ tháng 10-2023, Siêu thị Minh Cầu đã làm việc, ký kết hợp đồng với các nhà phân phối. Bán đến đâu, chúng tôi nhập đến đó để đảm bảo sản phẩm mới nhất đến tay người tiêu dùng.

Ngoài bánh, kẹo, rượu, bia…, các mặt hàng đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… nguồn cung cũng khá rồi dào và giá bán vẫn giữ ở mức ổn định. Xu hướng người dân sử dụng những sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn OCOP, mẫu mã đẹp đang là ưu tiên lựa chọn của nhiều người.

Riêng đối với mặt hàng gạo, do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới nên trong năm giá đã tăng khá nhiều. Có loại gạo tăng giá tới 15-20%, thậm chí 30-40%. Do đó, một số sản phẩm như mì gạo, miến cũng tăng giá khoảng 7-10 nghìn đồng/kg…

Vẫn còn sớm khi đưa ra nhận định về thị trường Tết năm nay, bởi thực tế đã cho thấy, có những năm, phải đến tận 29-30 Tết, nhiều mặt hàng tưởng “ế” thì bỗng trở nên sôi động, thậm chí cháy hàng. Chính vì thế, một lời khuyên được nhiều nhà tiêu dùng thông thái và cả những người bán hàng đưa ra là mọi người nên chủ động đi mua sắm sớm, để có nhiều cơ hội lựa chọn và giá cả ổn định, hợp lý hơn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202402/da-danghang-hoa-phuc-vu-tet-590264f/