Đa dạng hóa hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông

Theo Dự thảo Thông tư ban hành quy định đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố, hình thức đánh giá học sinh phổ thông thời gian tới có thể được thực hiện trên giấy, trên máy vi tính hoặc kết hợp cả hai hình thức.

Dự thảo Thông tư được ban hành nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện đánh giá diện rộng về kết quả học tập của học sinh. Dự thảo Thông tư sẽ thay thế Thông tư số 51/2011/TT-BGDĐT ngày 03/11/2011 quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Dự thảo Thông tư mới đã mở rộng quy định bao gồm cả “Đánh giá diện rộng quốc gia” và “Đánh giá diện rộng quốc tế”. Ảnh: VGP

Dự thảo Thông tư mới đã mở rộng quy định bao gồm cả “Đánh giá diện rộng quốc gia” và “Đánh giá diện rộng quốc tế”. Ảnh: VGP

Theo Bộ GDĐT, Thông tư hiện hành chỉ áp dụng đối với các kỳ đánh giá định kỳ cấp quốc gia do Việt Nam chủ trì, nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mà chưa điều chỉnh đối với các kỳ đánh giá quốc tế có sự tham gia của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua và trong những năm tới, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia nhiều chương trình đánh giá quốc tế như: PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15 của OECD); SEA-PLM (Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á); TALIS (Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học của OECD). Các chương trình này đều do Bộ GDĐT chủ trì, đồng thời hướng dẫn triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc tới các tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Dự thảo Thông tư mới đã mở rộng bao gồm cả “Đánh giá diện rộng quốc gia” và “Đánh giá diện rộng quốc tế”.

Theo đó,Dự thảo Thông tư mới đã quy định rõ việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, xác định cụ thể cơ cấu, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức tổ chức thực hiện của Ban Điều hành, Ban Kỹ thuật cấp quốc gia, cũng như cơ cấu thành phần và nhiệm vụ của Hội đồng khảo sát cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, Dự thảo Thông tư mới đã điều chỉnh cả nội dung và hình thức đánh giá. Cụ thể, nội dung đánh giá là các yêu cầu cần đạt đối với những môn học tham gia đánh giá, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Hình thức đánh giá được đa dạng hóa, có thể thực hiện khảo sát trên giấy, trên máy vi tính hoặc kết hợp cả hai hình thức. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ GDĐT có thể bổ sung các kỳ khảo sát, bên cạnh các kỳ khảo sát định kỳ cấp quốc gia và quốc tế.

Dự thảo chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh trong giải quyết các vấn đề liên quan đến học tập và cuộc sống. Ngoài ra, bổ sung việc đánh giá môn Tiếng Anh đối với học sinh lớp 9 và lớp 11.

Việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư số 51 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia của Việt Nam. Khi được ban hành, Thông tư mới sẽ góp phần cung cấp định kỳ các thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời là cơ sở để đề xuất chính sách và giải pháp đổi mới hoạt động dạy và học, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng và thúc đẩy hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông Việt Nam./.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/da-dang-hoa-hinh-thuc-danh-gia-ket-qua-hoc-tap-cua-hoc-sinh-pho-thong-41562.html