Đa dạng sinh kế giúp giảm nghèo bền vững

Bá Thước đang thực hiện đa dạng sinh kế thông qua việc hỗ trợ giống, vật nuôi, cây trồng... giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lồng cá của gia đình ông Lò Văn Thành ở thôn 3, xã Ban Công.

Lồng cá của gia đình ông Lò Văn Thành ở thôn 3, xã Ban Công.

Ông Lò Văn Thành ở thôn 3, xã Ban Công là một trong những hộ cận nghèo được nhận các nguồn hỗ trợ phục vụ cho việc nuôi cá lồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Thành cho biết, tháng 9/2023 gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 8,8 triệu đồng để mua cá giống, lồng nuôi cá và tiền thức ăn ban đầu. Sau khi nhận 32kg cá giống ông thả cá và chăm sóc cẩn thận. Do được chăm sóc tốt nên lồng cá của gia đình không xảy ra dịch bệnh, cá lớn nhanh. Hiện cá đã đạt trọng lượng từ 4 - 5kg/con và gia đình đang bán cho thương lái, dự kiến cho thu nhập gần 40 triệu đồng.

Cùng ở thôn 3 còn có gia đình bà Lò Thị Huấn thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Bà Huấn cho biết: Tháng 9/2023 gia đình nhận 1 con bò sinh sản trị giá 13 triệu đồng (trong đó có 2 triệu đồng hỗ trợ làm chuồng). Sau khi nhận bò gia đình chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y để bò có thể phát triển, sinh sản tốt. Hàng ngày, ngoài chăn thả trên đồi, còn cắt cỏ cho bò ăn. Mấy tháng nữa bò sẽ sinh sản, gia đình dự kiến để nuôi và sẽ mở rộng chuồng.

Chủ tịch UBND xã Ban Công Nguyễn Thế Nghị, cho biết: Thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương có 69 hộ (22 hộ nghèo, 47 hộ cận nghèo) được hưởng chính sách, trong đó có 28 hộ nhận bò sinh sản, 41 hộ nhận nuôi cá lồng. Các hộ sau khi nhận được bò và cá giống đều tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y và thủy sản, nên đàn bò và cá đều phát triển tốt.

Nhận hỗ trợ 3 con lợn lai lòi từ dự án đa dạng hóa sinh kế dịp đầu tháng 10/2023 ông Nguyễn Văn Sự - hộ cận nghèo ở thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng phấn khởi cho biết: Từ 3 con lợn giống được Nhà nước hỗ trợ, đến nay gia đình đã nhân lên tổng cộng 20 con. Khi lợn con đạt trọng lượng 5 - 7kg/con, gia đình bán 10 con lợn giống, thu về được 10 triệu đồng. Hiện, số lợn còn lại mỗi con đạt trọng lượng 15kg, dự kiến cuối năm sẽ xuất bán. Nếu với giá thương lái đang thu mua 120 nghìn đồng/kg lợn hơi, đàn lợn thịt của gia đình sẽ cho thu nhập 24 triệu đồng, cộng thêm 2 con lợn sinh sản sắp cho lứa thứ 2. Cứ đà này, cuộc sống gia đình không mấy sẽ khấm khá.

Thực hiện đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo, xã Ái Thượng có 85 hộ được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 (19 hộ nghèo, 64 hộ cận nghèo và 2 hộ khác). Trong đó, 54 hộ nhận nuôi lợn cỏ lai lòi và 31 hộ nhận nuôi cá lồng. Các hộ đã nhận con giống dịp tháng 9, tháng 10/2023, đến nay đã cho thu nhập.

Được biết, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định... đã được huyện Bá Thước thực hiện ở 21 xã, thị trấn trên địa bàn với 477 hộ tham gia, nguồn kinh phí hỗ trợ gần 12 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 8,885 tỷ đồng, đối ứng của Nhân dân hơn 3 tỷ đồng.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước Nguyễn Văn Tâm, cho biết: Với mức hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo 15 triệu đồng, hộ cận nghèo là 12 triệu đồng/con bò sinh sản; 9 triệu đồng cho hộ nghèo, 7,2 triệu đồng cho hộ cận nghèo nuôi lợn nái sinh sản và 11 triệu đồng cho hộ nghèo, 8,8 triệu đồng cho cận nghèo nuôi cá lồng, đã tạo động lực cho các hộ thoát nghèo. Việc người dân tham gia đóng góp một phần kinh phí đối ứng cũng khơi dậy ý chí quyết tâm, trách nhiệm của người dân không trông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo, mà nỗ lực vươn lên làm ăn thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc người dân chủ động cải tạo khu vực chuồng trại cũng như chuẩn bị nguồn thức ăn... đáp ứng điều kiện hỗ trợ của dự án, thể hiện quyết tâm muốn thoát khỏi đói nghèo.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/da-dang-sinh-ke-giup-giam-ngheo-ben-vung-32430.htm