Đã đến lúc chia lại 'miếng bánh' thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam
Nếu như cách đây chỉ khoảng 3 năm, 17 doanh nghiệp Việt chật vật chia nhau… 1% thị trường gọi xe công nghệ, thì nay đã khác.
Thị trường gọi xe công nghệ: “Miếng bánh ngon” thuộc về ai?
Gần 1 thập niên trước, ở Việt Nam chưa ai biết tới khái niệm “ứng dụng gọi xe”, di chuyển trong nội đô phổ biến nhất chỉ có xe ôm và taxi. Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. Ứng dụng này khi đó chỉ là một phần mềm công nghệ hỗ trợ dịch vụ kết nối với các hãng taxi, giúp người dùng gọi taxi dễ dàng, minh bạch hơn nên thực tế chưa tạo dấu ấn đặc biệt. Phải tới 4 tháng sau, khi Uber chính thức gia nhập, cuộc bùng nổ thị trường gọi xe công nghệ mới thật sự bắt đầu.
Mới đầu là dịch vụ gọi xe 4 bánh “chiến đấu” cùng taxi truyền thống, sau đó tới gọi xe 2 bánh, vận chuyển hàng hóa, giao nhận đồ ăn…, hai “ông lớn” công nghệ đến từ Singapore và Mỹ từng bước thống lĩnh thị trường, thay đổi hoàn toàn thói quen gọi xe của người Việt. Chỉ sau vài năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… nằm trong danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân tại các thành phố lớn.
Theo số liệu từ Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), sau 7 năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có sự tham gia của 20 nền tảng khác nhau. Năm 2021, có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu. Với doanh thu khoảng 2,4 tỉ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30 - 35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay… thị trường gọi xe công nghệ có mức tăng trưởng cao thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thương mại điện tử bán lẻ.
Đáng nói, theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%. Nghĩa là, 17 ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” còn lại chỉ chia nhau hơn 1% thị phần. Nhiều số liệu đã được nghiên cứu cho thấy thực chất, trong cuộc chơi này, Grab vẫn là “người cầm cái”.
“Cuộc chơi” nay đã khác
Khoảng 3 năm trước, nhiều chuyên gia nhận định, với thị trường gọi xe công nghệ, rất khó để doanh nghiệp Việt “cướp cái”. Người khai mở thị trường như Grab, Be vốn đã khẳng định được thương hiệu, lại có tiềm lực tài chính mạnh hơn, tầm nhìn chiến lược dài hơn. Doanh nghiệp Việt vừa yếu hơn, vừa đi sau nên thị phần không thể mong đấu lại được.
Nhưng câu chuyện nay đã khác, khi Xanh SM - một thương hiệu dịch vụ vận tải của người Việt - xuất hiện. Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, thị phần ngành gọi xe công nghệ Việt Nam vẫn được chiếm lĩnh phần lớn bởi Grab với khoảng 56%. Song với sự vào cuộc đầy quyết liệt và tốc độ phủ sóng thần tốc của “tân binh” Xanh SM, không ít kỳ vọng về sự đổi ngôi cho thương hiệu Việt trên thị trường này đang được nhen nhóm.
Ngày 14/4/2023, CTCP Di chuyển xanh và thông minh GSM chính thức đưa hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam (thương hiệu Xanh SM) đi vào hoạt động, sau 1 tháng chạy thử tại Hà Nội. Đến nay sau gần 1 năm có mặt trên thị trường, Xanh SM đã “phủ sóng” 29 tỉnh thành, với đội xe hơn 20.000 ô tô điện. Đặc biệt chỉ sau 5 tháng ra mắt, taxi Xanh SM đã đón khách hàng thứ 6 triệu.
Không chỉ dừng ở mảng taxi điện, trong 11 tháng qua GSM còn nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái của mình, với các dịch vụ như giao hàng nhanh bằng xe điện VinFast; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện Xanh SM bike; dịch vụ thuê ô tô điện tự lái… Chỉ tính riêng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện sau hơn 1 tháng ra mắt đã cán mốc 1 triệu khách.
Câu hỏi được quan tâm, liệu GSM có vẽ lại bản đồ thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam và giành lấy thị phần từ tay các đối thủ, trong đó lớn nhất là Grab hay không?
Câu trả lời chắc chắn cần thêm thời gian vì GSM còn quá mới, trong khi đối thủ lớn lại có thâm niên hàng chục năm ở thị trường. Song như đã phân tích, GSM hiện đang sở hữu nhiều lợi thế như hệ thống xe mới sẽ mang đến trải nghiệm thoải mái hơn cho khách hàng so với những xe cũ của không ít hãng.
Dịch vụ chăm sóc khách hàng của tài xế GSM cũng nhận được nhiều lời khen. Không chỉ taxi, dịch vụ xe máy điện cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Cùng với đó chính sách cho các tài xế taxi và xe máy hiện cũng rất tốt. Quan trọng hơn GSM ra đời đúng thời điểm xe điện đang nở rộ trong ngành xe dịch vụ ở cả trong nước và khu vực. GSM cũng hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ rất nhanh.
Theo đánh giá của Mordor Intelligence, năm 2024, thị trường gọi xe Việt Nam được củng cố ở mức độ vừa phải, với sự tham gia của các công ty như Grab Holdings Inc., Xanh SM (CTCP GSM), CTCP Be Group, Go-Việt và FastGo tại Việt Nam.
“Mối đe dọa lớn nhất đối với Grab Holdings Inc. trong tương lai có thể đến từ Xanh SM, hãng taxi thuần điện nội địa đầu tiên của Việt Nam. Xanh SM đang tích cực mở rộng chỗ đứng trên thị trường nhờ sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác. Công ty đã hợp tác với một số hãng taxi trên khắp Việt Nam, bao gồm Lado Taxi, Sơn Nam, Thanh Hà Transport, ASV Airport Taxi, Én Vàng và Taxi Xanh Sapa” - Mordor Intelligence nhận định.
Theo báo cáo nghiên cứu ngành gọi xe Việt Nam năm 2024 (Vietnam Ride Hailing 2024) do hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence thực hiện vừa được công bố, quy mô Thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt 0,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).