Đã đến lúc nhà đầu tư condotel 'quay xe' chờ sóng tăng?
Áp lực từ đòn bẩy tài chính từng khiến nhiều nhà đầu tư condotel buộc phải tính đến phương án xả hàng cắt lỗ. Tuy nhiên, gần đây, khi thị trường đang xuất hiện những chỉ dấu tích cực, không ít người quyết định 'quay xe' ngừng bán.
Giữa năm 2022, trước áp lực tài chính, anh Trần Trung Dũng quyết định rao bán 2 trong số 3 căn condotel (căn hộ du lịch) ở Nha Trang (Khánh Hòa), với mức giá thấp hơn gần 300 triệu đồng so với thời điểm mua vào đầu năm 2019. Sau gần 6 tháng, anh bán được 1 căn, còn 1 căn tồn đến nay.
Le lói tín hiệu tích cực
Cả 3 căn condotel, theo anh Dũng, đều được anh mua theo dạng “đầu tư 0 đồng”, nghĩa là chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ 100% vốn, lãi suất 0% trong 12 tháng đầu, cam kết lợi nhuận 10% năm, ân hạn nợ gốc tối đa 36 tháng, hỗ trợ phí trả nợ trước hạn.
Tưởng cục vàng hóa ra cục nợ, đại dịch Covid-19 ập tới khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của anh Dũng gần như tê liệt. Sau dịch, du lịch phục hồi nhưng kinh tế khó khăn khiến tỷ lệ lấp đầy tại cả 3 căn hộ vô cùng phập phù, bình quân chỉ đạt 15-30%, thu không đủ bù chi, đặc biệt là trả lãi ngân hàng.
“Mọi chuyện cứ xấu dần, đến giữa năm 2022 thì tôi quyết định rao bán 2 căn, vừa để trả hơn 2 tỷ tiền vay, vừa để thu hồi vốn tái đầu tư đất nền. Đầu năm 2023, tôi bán được 1 căn. Còn 1 căn tồn, cũng định bán bằng mọi giá, nhưng đến tháng 4, khi Nghị định 10 ban hành đã cho phép căn hộ condotel trên cả nước được cấp sổ hồng, tôi đổi chiến lược sang vừa rao vừa nghe ngóng”, anh Dũng cho hay.
Cùng với anh Dũng, tín hiệu tích cực từ Nghị định 10 từng khiến rất nhiều nhà đầu tư condotel quyết định “quay xe” dừng bán. Tất cả đều chờ đợi việc được cởi trói pháp lý về sổ hồng sẽ thổi thêm hơi ấm vào phân khúc từng “làm mưa làm gió” một thời này.
Đáng chú ý, sau Nghị định 10, mới đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục đón tin vui khi Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua đã bao quát tất cả mọi loại hình dự án bất động sản có thời hạn được cấp sổ hồng, trong đó có cả condotel, officetel, service apartment...
Chia sẻ với VnBusiness, anh Lê Quốc Cường, trưởng văn phòng môi giới ở Đà Nẵng, cho biết hiện tượng các nhà đầu tư bắt đầu ngừng bán cắt lỗ diễn ra phổ biến từ giữa năm 2023.
“Nửa đầu năm 2023, chúng tôi nhận bán gần 60 căn condotel trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Có những nhà đầu tư vì quá mệt mỏi nên chấp nhận bán gấp với mức lỗ 250 – 500 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2022, các giao dịch nhờ bán giảm gần 70%, hầu hết những căn đăng bán nhưng bị “ế” trước đó cũng yêu cầu gỡ thông tin để chờ thời”, anh Cường thông tin.
Khách vẫn chờ giảm giá
Những thông tin tích cực từ yếu tố pháp lý cũng như đà hồi phục của du lịch rõ ràng là điểm tựa để phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, hay loại hình condotel nói riêng có thể tăng tốc độ hồi phục.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong các phân khúc bất động sản, nghỉ dưỡng vẫn là khu vực bị đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để lấy tại đà tăng trưởng, ít nhất là trong 2 năm tới. Bởi, đa phần nhà đầu tư vẫn còn rất dè chừng với các loại hình này, trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế lung lay.
Điển hình như tại Hồ Tràm (Bà Rịa Vũng Tàu), điểm nóng được các chuyên gia đánh giá rất cao khi hưởng lợi từ hai yếu tố tiềm năng. Một là lượng khách cơ hữu 16 triệu dân từ TP. HCM, hai là lượng khách toàn cầu thông qua sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động. Theo đó, nhiều nhà phát triển dự án đã không bỏ qua cơ hội để rót tiền vào khu vực này.
Điển hình như sự kiện ra mắt tòa Beachfront Tower thuộc dự án Ixora Ho Tram by Fusion vào thượng tuần tháng 12 vừa qua. Giá bán căn condotel 52m2 của dự án nằm trong khoảng 3,2 - 3,8 tỷ đồng.
Tiềm năng lớn là thế, song, cũng như nhiều dự án khác ở Hồ Tràm, giá bán cao đang làm chậm khả năng hấp thụ của sản phẩm. Một số dự án khác trong khu vực như Charm Resort Hồ Tràm, Venezia Bình Châu, mức giá cũng khá cao, từ 65 đến 80 triệu đồng/m2 cho sản phẩm condotel.
Anh Đức, một nhà đầu tư gốc Hà Nội, đánh giá Hồ Tràm là một điểm đến thú vị cho giới đầu tư, được định vị là một đô thị nghỉ dưỡng hạng sang, nhưng đó là câu chuyện của tương lai, thực sự thì các chủ đầu tư nên cân nhắc lại giá bán, hoặc ít nhất là các chính sách ưu đãi tốt hơn trong lúc này.
Một ví dụ để thấy rằng các nhà đầu tư mới sẵn tiềm lực tài chính vẫn đang sẵn sàng chờ rót tiền nhưng họ đòi hỏi các sản phẩm cần có mức giá sát thực tế hơn. Các chủ đầu tư muốn đẩy mạnh thanh khoản cần nghiêm túc giảm giá thật thay vì chỉ tung ra bánh vẽ để tạo sóng.
Với nhà đầu tư thứ cấp đang nặng gánh đòn bẩy tài chính, dù thị trường đang nhen nhóm tín hiệu hồi phục, song có thể sẽ phải chờ thêm ít nhất 2 - 4 quý nữa để có thanh khoản. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cân nhắc nếu không thể đi đường dài thì nên cắt lỗ sớm để tránh rủi ro.
Trong khi đó, với những tay to sẵn dòng tiền đang chờ nhảy vào bắt đáy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối sẽ chủ động tung ra những chương trình bán hàng "mới lạ", hấp dẫn, thậm chí gây sốc, nhằm kích thích thị trường, PR sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, nhà đầu tư cần tìm hiểu, suy tính kỹ để tránh những rủi ro có thể gặp phải.