Đã đến lúc phải áp thuế giá trị gia tăng 5% cho mặt hàng phân bón
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó phân bón được đưa vào diện chịu thuế 5%, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới. Đây là động thái được kỳ vọng sẽ tháo gỡ 'nút thắt' trong gần 10 năm qua không chỉ với ngành phân bón Việt Nam mà còn mang lại nguồn thu ngân sách cho Nhà nước và lợi ích cho nhà nông.
Doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh
Phát biểu tại Tọa đàm "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14/6, các chuyên gia đều ủng hộ đề xuất đưa phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, dự kiến trình Quốc hội xem xét tới đây, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế chia sẻ rằng, trước Luật số 71/2014/QH13, phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật 71, đưa phân bón vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm giảm giá đầu vào cho nông dân. Quyết định này được đưa ra với hy vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.
Theo ông Phụng, việc không áp thuế giá trị gia tăng đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong 10 năm qua. DN sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.
“Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón cho nông dân mà còn khiến các DN phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ” - ông Phụng chia sẻ.
Ở góc độ DN, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP-Vinachem, Nguyễn Hoàng Trung cho biết, lũy kế 10 năm qua, Công ty cổ phần DAP-Vinachem đã “mất” hàng nghìn tỷ đồng. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế giá trị gia tăng, DN nhập khẩu phân bón về Việt Nam cũng không phải chịu thuế giá trị gia tăng nên có điều kiện để giảm giá bán, trong khi phân bón sản xuất trong nước bị đội giá thành nhưng không thể tăng giá tương ứng.
"Việc thiếu vắng các dự án lớn đầu tư lớn vào ngành phân bón trong thời gian qua làm hạn chế sự phát triển, không thúc đẩy sản xuất, làm cho DN không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm. Dẫn tới bà con nông dân cũng thiệt hại khi không được sử dụng sản phẩm tốt hơn" - ông Nguyễn Hoàng Trung cho hay.
Đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%
Phát biểu tại tọa đảm, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón. Việc không áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón ở Việt Nam là một ngoại lệ và đã tạo ra những bất cập lớn.
“Các nước coi phân bón là mặt hàng thiết yếu cho nông nghiệp và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng hợp lý để hỗ trợ nông dân. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này để xây dựng chính sách thuế phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp” - ông Ngọc nói.
Chỉ ra những lợi ích của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, đầu tiên là tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Cùng với đó, nông dân có cơ hội yêu cầu DN thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán.
Thứ hai, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiến tới kinh tế nông nghiệp nông thôn. Thứ ba, có những DN chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5% nhưng đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, nhà nước hoàn lại cho DN, tránh doanh nghiệp bị mất vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Trung cũng cho rằng, việc áp thuế giá trị gia tăng 5% sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí thuế đầu vào, dẫn tới giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ có sự cạnh tranh với phân bón nhập khẩu tốt hơn và mong muốn chiếm lĩnh được thị trường, gia tăng được thị phần. Gia tăng thị phần thì DN sẽ điều chỉnh được giá bán, tăng hậu mãi cho người nông dân.
Đặc biệt, các DN sẽ có nguồn lực, động lực để gia tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp, sửa chữa máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.