Đã giảm chênh lệch giá vàng từ 15-16 triệu xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng

Để giảm chênh lệch giá vàng, từ phương án đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.

Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. (Ảnh: quochoi.vn)

Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. (Ảnh: quochoi.vn)

Điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình, Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có báo cáo 16 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.

Trả lời câu hỏi về thị trường vàng của 2 Đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) và Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng tại Việt Nam có nhiều biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: quochoi.vn)

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: quochoi.vn)

Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, NHNN cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở pháp luật hiện hành, NHNN đã tổ chức đấu thầu. Trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, NHNN đã cân nhắc qua 9 phiên đấu thầu - đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế ở mức cao theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng Thương mại Nhà nước và SJC. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.

Chỉ rõ diễn biến thị trường vàng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Về vấn đề Ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua vào, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường vì NHNN không sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, NHNN cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này, NHNN chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng. Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện nay đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng.

Về lý do vì sao chỉ bán ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào. Bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Do đó, thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn, còn các tỉnh, thành khác trong cả nước gần như không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận việc mua/bán vàng miếng của NHNN. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận việc mua/bán vàng miếng của NHNN. (Ảnh: quochoi.vn)

Tranh luận tại phiên họp liên quan đến việc mua/bán vàng miếng của NHNN, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, NHNN bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng ở thị trường đen. Đại biểu đề nghị Ngân hàng xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là câu chuyện khó khăn, các tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, nhân lực để tránh rủi ro khi tham gia bình ổn thị trường vàng. NHNN sẽ cân nhắc vấn đề này trong tổng kết Nghị định 24 và tới đây sẽ đề xuất những cách thức, giải pháp mới về thị trường vàng miếng để xử lý vấn đề. Tuy nhiên, Thống đốc cũng báo cáo, các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cũng có các chi nhánh mua bán giao dịch rất nhiều nơi nên việc không mua vào cũng có thể là do một số nguyên nhân, đặc biệt là trước biến động của thị trường vàng rất là cao khi trong một ngày giá vàng thế giới có thể tăng cao lại xuống khiến việc bán - mua rất phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro, có thể ví dụ như mua vàng của người dân ở mức giá này nhưng đến lúc giá vàng xuống thì sẽ bị rủi ro. Vì vậy, đối với mặt hàng vàng, NHNN luôn khuyến cáo đây là mặt hàng biến động khó lường, phức tạp, nếu người dân đầu tư mặt hàng thì sẽ chịu rủi ro, mất tiền khi mua - bán.

Trước đó, báo cáo một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trân trọng cảm ơn Quốc hội, cử tri cả nước đã quan tâm đến hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua, đã lựa chọn chất vấn Thống đốc tại Kỳ họp thứ 8. Đây là dịp để NHNN được lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói cử tri cả nước đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ đó giúp NHNN hoàn thiện và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, là kỳ họp Thống đốc NHNN trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, NHNN và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí. NHNN đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Thống đốc NHNN nêu rõ, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.

An Duy

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/da-giam-chenh-lech-gia-vang-tu-15-16-trieu-xuong-con-3-4-trieu-dongluong-post531499.html