Đã hơn 10 ngày mà thầy trò Rạch Giá vẫn chưa hết choáng với đề kiểm tra Toán
Giáo viên và học sinh bị 'choáng' với độ khó của đề khi được phát ra. Đây là đề do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá ra.
Các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Rạch Giá thực hiện kiểm tra học kỳ I năm học 2019-2020 vào các tuần 18, tuần 19 của năm học.
Theo lịch thi của Phòng Giáo dục và Đào tạo ngày 17/12/2019 các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố thi môn Toán khối 6.
Giáo viên và học sinh bị “choáng” với độ khó của đề khi được phát. Đây là đề do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá ra.
Đề thi có hai phần gồm: trắc nghiệm khách quan gồm 9 câu (3 điểm) và tự luận có 5 bài (7 điểm).
Thầy trò cảm thấy khó hiểu vì sao Phòng Giáo dục và Đào tạo lại ra đề quá khó so với kiến thức cơ bản và đối với học sinh đại trà.
Cụ thể: Phần trắc nghiệm khách quan các câu hỏi chưa rải đều khiến thức của học kỳ I. Những phần kiến thức quan trọng không được đưa vào đề thi, ví dụ kiến thức về “ước chung lớn nhất”, “bội chung nhỏ nhất”, “phân tích một số ra thừa số nguyên tố”...
Một vài câu hỏi dạng điền khuyết chưa rõ ràng gây khó cho học sinh, dẫn đến rất ít học sinh đạt điểm tối đa.
Phần tự luận có nhiều câu cực khó đối với học sinh đại trà. Đó là các câu 1b (0,5 điểm); 1c (0,5 điểm) thực hiện phép tính, phức tạp hơn nhiều so với các bài tập dạng này trong sách giáo khoa và sách bài tập. Những bài này chỉ những em là học sinh khá mới giải quyết được.
Câu 2a (0,5 điểm) bài toán tìm x, có số mũ là biểu thức chứa chữ phức tạp. Câu 3 bài toán có lời giải (1,5 điểm) đề ra đánh đố gây khó khăn cho học sinh ở điều kiện “khi xếp hàng 43 thì vừa đủ”.
Xem lại các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập toán lớp 6 thì không có bài nào có dạng như những bài toán này.
Câu 5 (1 điểm) thực sự là bài toán cực khó chỉ những học sinh có tư chất thông minh thực sự và nắm chắc kiến thức thì mới có thể làm được.
Như vậy, lượng kiến thức dành cho học sinh khá giỏi chiếm 3,5 điểm.
Kiểm tra học kỳ cần nhẹ nhàng, không nên quá quan trọng vấn đề!
Thầy K. một giáo viên dạy Toán trong địa bàn, cho rằng phần trắc nghiệm khách quan chưa kiểm tra hết nội dung trọng tâm của chương trình toán lớp 6 học kỳ I.
Thầy Tr. tổ trưởng chuyên môn bộ môn Toán của một trường trung học cơ sở có ý kiến đề này quá nặng kiến thức vận dụng cao dành cho học sinh giỏi quá nhiều với tổng số điểm là 3 điểm.
Do đề quá khó nên một số trường chỉ đạt hơn 30% điểm trung bình trở lên. Ví dụ qua thống kê được trích xuất từ phần mềm Smas của Trường N.T.T. thì tổng số học sinh khối 6 là 455 học sinh trong đó có 10 học sinh được điểm từ 8 – 10 đạt 2,2%; 36 học sinh có điểm từ 6,5 - 7,9 đạt 7,91%; 110 học sinh có điểm từ 5,0 - 6,4 đạt 24,18%; có 134 học sinh có điểm từ 3,5 – 4,9 đạt 29,45%; 163 học sinh có điểm từ 0 – 3,4 đạt 35; 82%. Toàn khối chỉ có 156 học sinh điểm từ trung bình trở lên đạt 34,29%. Có lớp chỉ đạt 20,45%.
Về cách tổ chức thi, trong địa bàn thành phố có trường chia phòng đảo học sinh giữa các lớp. Có trường thì không chia phòng cho kiểm tra tại lớp với mỗi phòng thi từ 45 – 47 học sinh.
Mặc dù Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 438/PGDĐT-THCS về việc hướng dẫn ôn tập, tổ chức kiểm tra học kỳ I năm học 2019-2020 gửi đến các trường như sau:
Mục đích và yêu cầu kiểm tra học kỳ I:
Phòng, Sở ra đề kiểm tra: Giáo viên sợ nhất điều gì?
+ Kết quả kiểm tra học kỳ học kỳ I là cơ sở để các cấp quản lý, giáo viên đánh giá quá trình tổ chức dạy học, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý và thực hiện của trường, từ đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
+ Kiểm tra được kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành học sinh trung học, nội dung kiến thức tích hợp trong phạm vi chương trình môn học.
+ Nội dung đề phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ và phù hợp với đối tượng học sinh. Đề kiểm tra phải thể hiện đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, phân hóa trình độ học sinh và phù hợp với thời gian quy định.
Phòng Giáo dục và Đào tạo ra đề các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Giáo dục công dân.
Phải chăng khi ra đề kiểm tra quá khó như vậy, có nghĩa Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Rạch Giá đã làm ngược với văn bản mà chính mình đã ban hành?