Đã khóa 2 số điện thoại có cuộc gọi lừa đảo báo 'con cấp cứu ở tại Chợ Rẫy'

Đại diện Cục Viễn thông cho biết đã nhà mạng đã khóa 2 số điện thoại có cuộc gọi lừa đảo gọi đến cho phụ huynh thông báo con đang cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, cần tiền để mổ gấp.

Gần đây Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tiếp nhận khoảng 5 người đến khoa Cấp cứu trong tình trạng hốt hoảng, lo lắng khi nhận được cuộc điện thoại cho hay con họ đang cấp cứu ở đây. Một lần nữa, câu chuyện về cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục làm dấy lên nỗi lo cho bạn đọc.

Tiếp diễn thủ đoạn chuyển tiền để mổ gấp

Cụ thể, ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khoảng 9 giờ 30 ngày 18-11, một người dân ở quận Gò Vấp hốt hoảng chạy đến khoa Cấp cứu tìm con.

Người này khóc ngất khi nghe tin con mình gặp tai nạn nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo người này kể lại, người ở bên kia đầu dây gọi điện tới nói con chị phải mổ gấp nên chị đã tức tốc chạy từ Gò Vấp đến bệnh viện trong tâm trạng hoang mang, lo lắng.

Tuy nhiên, tại bệnh viện, bác sĩ sau khi kiểm tra báo không có bệnh nhân nào giống với tên con chị. Chị lập tức gọi điện cho giáo viên lớp con, được xác nhận bé vẫn đang học bình thường ở trường.

Đang ở nhà, một phụ huynh khác cũng nhận được cuộc điện thoại báo con chơi ở trường, đùa với bạn bè bị ngã chấn thương phần mềm, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

 Các cuộc gọi lừa đảo khiến nhiều người dân bất an. Ảnh: Cục ATTT.

Các cuộc gọi lừa đảo khiến nhiều người dân bất an. Ảnh: Cục ATTT.

Người này yêu cầu anh phải chuyển 30-40 triệu đồng để mổ gấp. Anh vừa nghi ngờ vừa lo lắng nên đến bệnh viện để tìm con thì được bác sĩ thông báo không có ai đến cấp cứu như tên của con anh.

Những người này cung cấp số điện thoại gọi đã gọi đến là 0932470093 và 0909880914.

Thủ đoạn này vào năm 2023 cũng đã khiến nhiều phụ huynh tá hỏa. Cụ thể, vào tháng 3-2023, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận 2 cuộc điện thoại của phụ huynh tìm con vào chiều 6-3.

Những người này có con đang học tại trường quốc tế thuộc khối THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM. Họ gọi điện để xác nhận có phải con và cháu đang điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 hay không.

Trường hợp đầu tiên, kẻ gian gọi đến phụ huynh của em P. thông báo P. bị ngã cầu thang, đang nằm cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo người này, P. bị tụ máu não cần mổ cấp cứu gấp. Người nhà đã liên hệ với bác sĩ của Khoa Cấp cứu và biết thông tin không có thật.

Đã khóa 2 số điện thoại lừa đảo

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, câu hỏi "tại sao chưa ngăn chặn, hạn chế được tình trạng các cuộc gọi lừa đảo?" đã được đặt ra.

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết qua khảo sát, xác minh của các dịch vụ viễn thông đối với phản ánh của các sở TT&TT liên quan đến các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các SIM này đều có đầy đủ thông tin thuê bao và là các SIM đã tồn tại trong giai đoạn trước đây, do một bộ phận người dân đã đăng ký SIM sau đó không dùng nữa.

Người sử dụng không còn là người đứng tên khi đăng ký nhưng không thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao.

Để hạn chế tình trạng này, đại diện Cục Viễn thông cho biết Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai hệ thống 1414 bảo đảm trả về danh sách toàn bộ số thuê bao mà cá nhân đã đăng ký.

Đồng thời, Cục Viễn thông cũng rất mong người dân chủ động tra cứu thông tin thuê bao trên 1414 (qua cú pháp TTTB + số giấy tờ gửi 1414) và thông báo tới doanh nghiệp viễn thông để xử lý các thuê bao mình không đứng tên đăng ký.

Ngày 23-11, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, cũng cho biết người dân khi tiếp nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo nên gọi điện, nhắn tin đến đầu số 156 để phản ánh. Ngoài ra còn có đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người dân.

 Phóng viên kiểm tra số người dân cung cấp qua ứng dụng nTrust. Số này theo Cục Viễn thông đã bị khóa. Ảnh chụp màn hình.

Phóng viên kiểm tra số người dân cung cấp qua ứng dụng nTrust. Số này theo Cục Viễn thông đã bị khóa. Ảnh chụp màn hình.

Chúng tôi cũng cung cấp hai số điện thoại được người dân cung cấp là 0932470093 và 0909880914 đã thực hiện cuộc gọi lừa đảo như đến các phụ huynh nói có con bị cấp cứu ở BV Chợ Rẫy vào ngày 28-11 vừa qua. Trong ngày, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết nhà mạng đã khóa hai số điện thoại nói trên sau khi kiểm tra, xác minh các bước.

Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, khách hàng nên báo ngay cho nhà mạng của mình khi tiếp nhận các cuộc gọi lừa đảo. “Thuê bao của nhà mạng nào thì nhà mạng đó có trách nhiệm”- ông Phúc nói.

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tra số điện thoại gọi đến bằng phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia triển khai. Đây là ứng dụng miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh, giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.

Định danh cuộc gọi để tránh lừa đảo

Trước thực trạng các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi mạo danh diễn ra ngày càng nhiều, Bộ TT&TT, cho biết đơn vị này đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

Bộ TT&TT khuyến cáo khi nhận các cuộc gọi xưng danh cơ quan nhà nước, người dân nên kiểm tra kỹ thông tin và có thể yêu cầu gọi lại qua số điện thoại di động đã được định danh để đảm bảo chính xác. Nếu nghi ngờ là cuộc gọi lừa đảo, người dân nên báo cáo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cách nhận dạng cuộc gọi: Cuộc gọi của cơ quan nhà nước đến người dân sẽ hiển thị tên định danh. Các cuộc gọi chỉ hiển thị số chủ gọi (là số điện thoại di động có độ dài 10 chữ số, bắt đầu bằng các số 03, 05, 07, 08, 09) thì không phải cuộc gọi của cơ quan nhà nước.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-khoa-2-so-dien-thoai-co-cuoc-goi-lua-dao-bao-con-cap-cuu-o-tai-cho-ray-post821355.html