Đà 'lao dốc' của giá dầu chưa dừng do quan ngại lớn về kinh tế Trung Quốc
Giá dầu châu Á giảm hơn 1% vào chiều 14/8, khi những lo ngại về đà phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên 'vàng đen' bất chấp nguồn cung thắt chặt trên thị trường.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1,07 USD (tương đương 1,2%) xuống 85,74 USD/thùng vào lúc 14 giờ 31 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,3% xuống 82,12 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống khi Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - mở rộng mức tăng. Đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên nhu cầu dầu mỏ khi giá hàng hóa sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bà Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights cho hay thị trường đã mua vào quá nhiều dầu trong thời gian qua, bất chấp những kỳ vọng về một sự điều chỉnh. Các nhà đầu tư gần như chỉ tập trung vào triển vọng lạc quan của kinh tế của Mỹ, đến mức không còn chú ý tới những cơn gió ngược đang thổi ngày càng mạnh hơn vào Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Trung Quốc.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết giá dầu tuần này có thể biến động trong phạm vi hẹp do đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc và đồng USD mạnh hơn. Nhưng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã phát tín hiệu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thắt chặt nguồn cung và ổn định thị trường.
Việc hạn chế nguồn cung của Saudi Arabia và Nga dự kiến sẽ làm giảm lượng dầu dự trữ trong phần còn lại của năm nay. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), diễn biến đó có khả năng đẩy giá dầu lên mức cao hơn nữa.