Đà Lạt trên hành trình trở thành thành phố thông minh

Quyết định 1365/QĐ-UBND ngày 05/7/2018 phê duyệt Đề án 'Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh' giai đoạn 2018-2025, trong đó tập trung trên 9 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường.

Trung tâm TP Đà Lạt

Trung tâm TP Đà Lạt

Từ khi khởi động Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” đến nay, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Việc ứng dụng các phần mềm quản lý hành chính đã giúp đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử và ứng dụng “Đà Lạt trực tuyến” đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân.

Hệ thống thông tin quy hoạch được xây dựng và cập nhật thường xuyên, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về đất đai, quy hoạch. Điều này góp phần tăng tính minh bạch trong quản lý đô thị và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Đà Lạt đang trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh đã cung cấp cho du khách nhiều thông tin hữu ích về các điểm đến, dịch vụ, giúp họ lên kế hoạch cho chuyến đi một cách thuận tiện. Cổng thông tin Du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh - DalatFowerCity ngoài việc sử dụng các tiện ích của ứng dụng, khách du lịch có thể liên hệ với các cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng 19001067 để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng.

Hệ thống phần mềm Quản lý cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, tại địa chỉ https://quanlyluutru.lamdong.gov.vn đã cấp tài khoản cho trên 3.000 cơ sở lưu trú để thực hiện việc đăng ký qua mạng. Đăng ký lưu trú qua mạng tạo thuận lợi cho công tác quản lý (thống kê, tổng hợp, báo cáo …). Đặc biệt, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong công tác khai báo khách lưu trú. Một số lĩnh vực khác như y tế, giao thông và giáo dục cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là hệ thống camera giám sát được lắp đặt rộng khắp đã góp phần nâng cao an ninh trật tự, giảm thiểu tội phạm.

Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận, nhưng quá trình xây dựng thành phố thông minh của Đà Lạt vẫn còn những khó khăn như: Khả năng tiếp cận công nghệ của người dân còn hạn chế. Không phải tất cả người dân đều có điều kiện tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ. Hạ tầng công nghệ mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng hạ tầng công nghệ tại một số khu vực vẫn chưa đồng bộ. Đặc biệt, thực tế là nguồn nhân lực hiện vẫn chưa có đủ năng lực để vận hành và phát triển và hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông minh.

“Để tiến tới thành phố thông minh, cần khắc phục được những hạn chế này. Đà Lạt cần tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ. Đầu tư vào việc nâng cấp mạng internet, hệ thống thông tin để đảm bảo kết nối ổn định. Đào tạo cán bộ, công chức và người dân về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Và đặc biệt là cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình xây dựng thành phố thông minh. Bởi việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ mà còn là một chiến lược phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy kinh tế xã hội”, ông Đinh Biên - kỹ sư công nghệ thông tin chia sẻ.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/da-lat-tren-hanh-trinh-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh-6a168b7/