Đã mắt với những màn 'phá lưới' bằng robot
Từ những mô hình robot hỗ trợ trong học tập, nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mong muốn có thể phục vụ cộng đồng nhiều hơn
Ngày 11-1, Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ tổ chức "Ngày Sinh viên TP HCM sáng tạo" năm 2025 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (TP Thủ Đức), thu hút hàng trăm sinh viên CĐ, ĐH yêu thích công nghệ đến tham gia và trải nghiệm.
Sự kiện có các hoạt động trải nghiệm như: trải nghiệm kính thực tế ảo VR, mô hình STEM, trò chơi tư duy, khắc laser, in 3D, ký họa chân dung, đá banh bằng robot, thưởng thức ẩm thực (sữa chua sấy thăng hoa, nha đam sấy dẻo, đông trùng hạ thảo,...)
Tại ngày hội, nhiều sinh viên lần đầu được đá banh bằng robot. Đây là hoạt động trải nghiệm do nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tổ chức. Tuy chỉ có 2 "cầu thủ" trên sân nhưng những pha "phá lưới" khiến các cổ động viên không ngừng reo hò, vỗ tay.
Đại diện nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, em Nguyễn Võ Thái Sơn, cho biết mục đích thiết kế và lập trình robot ban đầu là phục vụ cho việc học, sau đó tiến tới phục vụ cho cộng đồng.
"Trong chiến dịch Xuân tình nguyện năm nay, chúng em đã tạo ra nhiều sân bóng đá bằng công nghệ cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Việc điều khiển robot giúp kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ nhỏ nhiều hơn" – Sơn bày tỏ.
Sơn cho biết những "trận cầu" bằng robot khiến các em nhỏ rất thích thú, vừa giải trí vừa mang tính giáo dục cao. Các em có thể điều khiển robot bằng điện thoại thông minh hoặc tay cầm có sẵn.
"Ngoài ra, nhóm chúng em còn hướng dẫn các em học sinh làm một mô hình robot điều khiển đơn giản. Với những em bé nhỏ, chúng em sẽ làm sẵn mạch điện, nhiệm vụ của các bé là thiết kế phần cứng, giao diện bên ngoài cho robot đẹp hơn" – Sơn cho biết thêm.
Em Khánh Như, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM (quận 5), cho biết nhóm đã nghiên cứu và thực hiện nhiều mô hình STEM khác nhau, ứng dụng vào các tiết học ở THCS.
Với mô hình "Đèn cầu thang cảm biến hồng ngoại", Như cho biết có thể ứng dụng vào môn công nghệ lớp 9. Thông qua mô hình, học sinh hình dung rõ hơn nguyên lý hoạt động của hệ thống điện trong nhà, từ đó biết cách sử dụng các thiết bị điện an toàn, xây dựng thói quen tiết kiệm điện.
Ông Lê Đức Đạt, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố, cho biết trong nhiều năm qua sinh viên TP HCM đã khẳng định vị thế của mình gắn với phong trào đổi mới, sáng tạo. Hàng triệu sáng kiến, đề tài khoa học của sinh viên đã được đánh giá cao và ứng dụng thực tiễn, hiện thực hóa...
"Ngày hội không chỉ là một hoạt động học thuật, phong trào sáng tạo đơn thuần mà còn là một cơ hội để các bạn sinh viên đóng góp vào quá trình triển khai những mục tiêu của Nghị quyết 57" – ông Đạt nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/da-mat-voi-nhung-man-pha-luoi-bang-robot-196250111155701323.htm