Đà Nẵng cần nhiều chính sách đột phá để hiện thực hóa Nghị quyết 43
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhưng vẫn cần các chính sách đặc thù, khác biệt, để có thể phát triển đột phá trong giai đoạn tới.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn được nêu tại Nghị quyết số 43. Xác định vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là định hướng phát triển đột phá, Đà Nẵng đang xây dựng Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Dù đang có được hướng phát triển mạnh mẽ về công nghiệp công nghệ cao như vậy, nhưng nhìn lại 5 năm qua, hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết 43 đạt thấp. Tăng trưởng bình quân chỉ đạt 3,09%/năm. Quản lý đất đai còn bất cập, nhiều dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, đầu tư vào địa phương giảm, đặc biệt còn thiếu nhiều chính sách vượt trội và khác biệt.
Sau khi có quy hoạch thành phố, cùng với việc thí điểm hiệu quả chính quyền đô thị theo Nghị quyết 119 của Quốc hội, Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất áp dụng chính thức mô hình này, đồng thời đề xuất thêm nhiều chính sách đặc thù, tạo động lực phát triển mới.
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về đào tạo, chuyển giao công nghệ; khai thác cơ hội từ các thỏa thuận cam kết quốc tế để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!