Đà Nẵng chủ động liên kết đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn
Thành phố Đà Nẵng đang có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Thành phố ưu tiên thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn trong thời gian đến.
Tháng 3 năm nay, thành phố Đà Nẵng khai giảng 2 lớp đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho hàng chục giảng viên và sinh viên. Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC) cho hay: Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động, trong đó có 6 doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn với khoảng 550 kỹ sư.
“Từ năm 2025 trở đi, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp nâng cao và chuyển đổi những ngành gần như ngành tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ thông tin sang thiết kế vi mạch để tạo ra nguồn nhân lực. Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng cung cấp ít nhất 10.000 nhân lực ngành vi mạch bán dẫn”, ông Lê Hoàng Phúc nói.
Những năm gần đây, Đại học Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường đại học thành viên triển khai đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Từ năm 2024, các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng như: Bách Khoa, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn-VKU và các trường đại học Duy Tân, FPT sẵn sàng điều kiện tuyển sinh đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn-VKU cho biết: “Chính phủ cũng như thành phố Đà Nẵng làm thế nào để thúc đẩy tạo cơ chế, chính sách cho nhiều trường, nhiều tổ chức tham gia đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn, từ chính quy đến các chương trình tập huấn. Trong đề án phát triển nguồn nhân lực cần có những chính sách hỗ trợ một phần cho sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, cũng như ưu đãi tín dụng thu hút người học".
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Synopsys Nam Á nhìn nhận: Bên cạnh cơ sở vật chất, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thành phố Đà Nẵng liên kết với các sơ sở đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giảng viên có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. “Với tầm nhìn của lãnh đạo Đà Nẵng và với quyết tâm rất lớn, không chỉ làm việc với các công ty của Hoa Kỳ, lãnh đạo Đà Nẵng cũng đã đến thăm các công ty của Đài Loan để mời gọi họ đầu tư vào thành phố cũng như cam kết, liên kết đào tạo. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng có các lớp tiếp theo với các đối tác tại Hà Nội, các đối tác tại Đài Loan. Từ đó đào tạo ra những người thầy có khả năng không những giảng dạy mà còn mang tính dẫn dắt lĩnh vực bán dẫn…”.
Để bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, thành phố Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế với các công ty, tổ chức uy tín để sớm tiếp cận nguồn lực và thông tin nhu cầu về nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn. Trong năm 2024, thành phố Đà Nẵng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để triển khai các khóa đào tạo tiếp theo cho đội ngũ giảng viên cũng như nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, việc hợp tác quốc tế sẽ được mở rộng sang các đối tác uy tín ở các nước khác: “Nắm bắt nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tích cực xây dựng, mở các mã ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, cụ thể là trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn đã công bố chương trình đào tạo và bắt đầu thực hiện công tác tuyển sinh trong năm 2024. Ngoài ra, một số trường khác cũng đang đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho ngành vi mạch bán dẫn".