Đà Nẵng: Nghiên cứu đề xuất hình thành khu vực thương mại tự do (FTZ)
Thành phố Đà Nẵng sẽ nghiên cứu, đề xuất hình thành khu vực thương mại tự do (FTZ) như là một giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics
Ngày 18/5, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, có vai trò quốc tế; là trọng điểm phát triển kinh tế biển; là đầu mối giao thương quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây, là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải Châu Á - Thái Bình Dương.
Theo đề án, Đà Nẵng đặt mục tiêu từ năm 2023 – 2030, ngành dịch vụ logistics sẽ đóng góp 11 – 12% GRDP của thành phố, tỷ lệ thuê ngoài đạt từ 40 – 45%, chi phí logistics giảm xuống tương đường 13% GRDP. Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.
Từ năm 2030 – 2050, tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics chiếm 15 – 15,5% GRDP thành phố, tỷ lệ thuê ngoài đạt 60 – 65%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 11,2% GRDP. Các trung tâm logistics tại Đà Nẵng đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng, triển khai các chính sách về dịch vụ logistics; phát triển thị trường logistics thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics, duy trì nguồn hàng truyền thống từ các tỉnh lân cận và hành lang kinh tế Đông – Tây, mở rộng phạm vi thu hút đối với thị trường khu vực Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây 2.
Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng logistics, trong đó, tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, ưu tiên đầu tư gắn với các đầu mối vận tải lớn trên địa bàn thành phố như khu bến Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, ga hàng hóa Kim Liên, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ giữa Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh của Lào, Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Một trong những giải pháp trọng tâm để thu hút đầu tư đó là trong giai đoạn 2023 – 2030 sẽ nghiên cứu, đề xuất hình thành khu vực thương mại tự do (FTZ) với trung tâm là khu vực bến cảng biển Liên Chiểu, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp (Liên Chiểu, Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng…) nhằm cung cấp các ưu đãi hấp dẫn với nhà đầu tư như miễn/giảm các loại thuế; thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môn bài…, đơn giản hóa thủ tục xin cấp và gia hạn thời hạn cho thị thực lao động và giấy phép lao động… từ đó tăng cường và đa dạng hóa nhu cầu dịch vụ logistics.
Ngoài ra, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.
Kinh phí thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn kinh phí (khái tính) từ ngân sách nhà nước khoảng 542 tỷ đồng.