Đà Nẵng: Nhiều ý kiến chưa đồng tình với xếp loại năng lực cạnh tranh của sở, ngành, quận, huyện!
Nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành TP Đà Nẵng chưa đồng tình với kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) TP Đà Nẵng năm 2019 vừa được công bố ngày 30/9. Họ đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số này và triển khai ở thời điểm thích hợp hơn.
Từ phản ứng của lãnh đạo Sở TN-MT…
Như tin đã đưa, tại phiên họp UBND TP Đà Nẵng chiều 30/9, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội TP Đà Nẵng đã công bố Quyết định 3147/QĐ-UBND ngày 26/8/2020 của UBND TP Đà Nẵng phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận, huyện (DDCI) TP Đà Nẵng năm 2019.
Theo đó, qua lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện của Đà Nẵng đều được xếp năng lực cạnh tranh loại khá, tốt đến rất tốt; không có đơn vị nào xếp loại trung bình trở xuống. Trong đó, Bảo hiểm Xã hội TP và Sở Du lịch là hai đơn vị được xếp vào nhóm “Rất tốt”, dẫn đầu khối sở, ban, ngành; huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà cũng được xếp hạng “Rất tốt”, dẫn đầu khối quận, huyện.
Tuy nhiên, tại phiên họp UBND TP Đà Nẵng chiều 30/9 đã có nhiều ý kiến chưa đồng tình với kết quả đánh giá nêu trên. Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện đã có bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI chủ trì. Trong cùng khuôn khổ quy định pháp lý, địa phương nào năng động, sáng tạo, hỗ trợ và cải cách thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn thì sẽ được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Trong khi đó, bộ chỉ số DDCI của Đà Nẵng chưa nêu ra được nguyên tắc chung, chưa làm rõ nhu cầu thực tiễn tại địa phương để đạt được các mục tiêu và tác động chính sách mà chính quyền TP đề ra. Đồng thời kết quả xếp loại chưa thể hiện được tính khách quan của việc thu thập dữ liệu điều tra, khảo sát; chưa được đánh giá, đối chiếu qua các nguồn dữ liệu đã được UBND TP hoặc các cấp có thẩm quyền công bố, đánh giá.
Ông Tô Văn Hùng nêu ví dụ, năm 2019, Sở TN-MT được UBND TP Đà Nẵng xếp hạng 5 toàn TP, tăng 23 bậc (năm 2018 xếp hạng 28) về hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ phục vụ “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”; đề xuất các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc về đất đai; xây dựng Cổng thông tin đất đai nhằm minh bạch hóa thông tin đất đai đến các tổ chức, công dân và doanh nghiệp.
Điểm số của Sở TN-MT về cải cách hành chính cũng tăng 05 bậc, ứng dụng CNTT tăng 10 bậc. Việc thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc đất đai được doanh nghiệp đánh giá cao; nghiên cứu ban hành “Cẩm nang quy trình quy định các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” được người dân... Từ đó đưa đến kết quả chỉ số “Tiếp cận đất đai” trong PCI năm 2019 của Đà Nẵng đạt điểm cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
“Trong khi đó, theo DDCI Đà Nẵng 2019 thì chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và chỉ số “Hỗ trợ doanh nghiệp” của Sở TN-MT chỉ đạt 7,1 điểm và 6,88 điểm; nằm ở vị trí kế cuối. Điều này hoàn toàn trái ngược với những kết quả cụ thể hết sức khả quan mà Sở TN-MT đã đạt được trong năm 2019 và đã được các cấp thẩm quyền ghi nhận!” – ông Tô Văn Hùng nói.
Ông cũng cho rằng việc đánh giá công tác triển khai để xác định những ưu, nhược điểm nhằm cải thiện, tối ưu hóa DDCI Đà Nẵng các năm tiếp theo chưa được nêu rõ trong báo cáo. Do vậy, ông kiến nghị cần xem xét lại việc xây dựng và triển khai khảo sát, đánh giá DDCI Đà Nẵng, phải đảm bảo tuân theo các nguyên tắc chung, mục tiêu cụ thể và thực tiễn tại địa phương.
“Theo tôi biết, hiện không phải địa phương nào cũng áp dụng chỉ số DDCI, vì họ thấy thực chất không đem lại lợi ích gì. Tôi đề nghị lãnh đạo TP nên xem xét việc này. Hàng năm có rất nhiều cái xếp hạng, nào là năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT… Nên chăng chúng ta tích hợp chung vào một và công bố luôn một lần!” – ông Tô Văn Hùng kiến nghị.
Đến sự đồng tình kiến nghị của lãnh đạo nhiều sở, ngành khác
Đồng tình với Giám đốc Sở TN-MT, ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng cũng cho rằng mặt bằng và đối tượng mà các sở, ban, ngành phục vụ rất khác nhau. Với Sở KH-CN, đối tượng phục vụ là các nhà khoa học và các tổ chức khoa học, còn doanh nghiệp đổi mới công nghệ thì rất ít. Điều tra, khảo sát DDCI hỏi ý kiến doanh nghiệp, nhưng nhiều khi doanh nghiệp cũng không biết Sở KH-CN làm những việc gì.
“Trong công tác điều hành của mình, chúng tôi quan tâm nhất là chỉ số về cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và một số chỉ tiêu thi đua quan trọng khác, còn DDCI thì thực sự chúng tôi rất ít quan tâm. Để giảm thời gian và tránh lãng phí thì chúng ta không nên làm cái này, mà bám sát những cái chúng ta đang có, đang làm để làm cho tốt hơn, đánh giá tốt hơn, đặc biệt là đánh giá cán bộ, công viên chức!” – Ông Thái Bá Cảnh nói.
Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng Lương Công Tuấn cũng bày tỏ sự chia sẻ với ý kiến của Giám đốc Sở TN-MT. Theo ông, để đánh giá vấn đề gì đều cần đặt trong điều kiện bình thường thì mới tạo sự công bằng, chính xác, khách quan. Tuy nhiên với thực tiễn của Đà Nẵng thời gian gần đây thì điều kiện bình thường của mỗi sở, ngành, quận, huyện khác nhau, có đơn vị bình thường nhưng có đơn vị không thể bình thường được.
“Như Sở TN-MT thì thời gian gần đây khó mà nằm trong điều kiện bình thường vì phải tháo gỡ bao nhiêu thứ do những vụ việc lịch sử để lại. Vừa qua chúng tôi phối hợp với Sở TN-MT để tháo gỡ, xử lý những vấn đề tồn đọng thì Sở làm rất quyết liệt. Anh em trong đơn vị nỗ lực như thế mà chúng ta đánh giá, xếp loại thế này thì họ sẽ rất tâm tư!” – ông Lương Công Tuấn nói.
Ông nhắc lại, tình hình cụ thể của Đà Nẵng hiện nay chưa thể gọi là bình thường, vì vậy chưa nên áp dụng đánh giá theo DDCI mà cần tập trung vào những đánh giá rất quan trọng đã có như cải cách hành chính… Làm tốt việc này cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Việc đánh giá theo DDCI cần để đến thời điểm thích hợp nhất, để làm sao kết quả đánh giá thể hiện đúng bản chất, thể hiện được tâm huyết của những người làm công tác ở các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong quá trình khảo sát, nếu không có bộ chỉ số chuẩn thì việc đánh giá chưa thích hợp. Vì lẽ đó, có một số bộ chỉ số được các cơ quan, đơn vị rất quan tâm, nhưng cũng có những bộ chỉ số không mấy người để ý. Ông nêu ví dụ quận Thanh Khê đứng đầu khối quận, huyện về chỉ số cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, nhưng xếp loại DDCI Đà Nẵng 2019 lại đứng cuối.
“Sự lệch nhau như thế là rất vô lý. Vì vậy tôi đề nghị nên hoàn chỉnh lại bộ chỉ số DDCI Đà Nẵng rồi hãy tiến hành, chứ hiện tại tôi thấy việc đánh giá chỉ mức độ thôi và có những kết quả xếp loại chưa hợp lý lắm. Cần tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số DDCI Đà Nẵng và nên chọn thời điểm thích hợp hơn để triển khai!” – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng nói.
Trước như phản hồi như vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng tiếp thu, làm việc với các chuyên gia, lấy ý kiến lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện để tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số DDCI Đà Nẵng cũng như cách thức, phương pháp triển kha thực hiện trong những năm đến.