Đà Nẵng: Phát huy giá trị văn hóa - lịch sử di tích Đình làng An Ngãi Đông

Ngày 4/7/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng và UBND phường Hòa Khánh tổ chức lễ bàn giao và đưa vào sử dụng công trình trùng tu di tích Đình làng An Ngãi Đông - một công trình mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương.

Đình làng An Ngãi Đông giữ vai trò là hạt nhân tín ngưỡng, nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư

Đình làng An Ngãi Đông giữ vai trò là hạt nhân tín ngưỡng, nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư

Theo UBND phường Hòa Khánh, Đình làng An Ngãi Đông được xây dựng cách đây 223 năm và hiện được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Đây không chỉ là công trình kiến trúc truyền thống có giá trị về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng của người dân địa phương.

Công trình kiến trúc chính của đình làng là tòa chính điện, có diện tích mặt bằng 9,3m x 9,175m (85,4m²), được xây dựng theo lối nhà rường một gian hai chái, gồm hai bộ vì, mỗi bộ có 5 hàng cột: 2 cột nhất, 2 cột nhì và 1 cột ba tiền. Đường kính các cột lần lượt là 25cm, 22cm và 20cm. Tất cả hệ thống cột đều đứng trên đá táng hình quả bí - một đặc trưng của kiến trúc truyền thống miền Trung.

Cấu trúc liên kết giữa các bộ vì cũng thể hiện sự tỉ mỉ trong kỹ thuật dựng nhà cổ: nửa vì sau sử dụng liên kết kèo chuyền tam đoạn (kèo nhất, kèo nhì và kèo ba), trong đó đuôi kèo ba tỳ trực tiếp lên tường sau; nửa vì trước kết hợp liên kết kèo và rường, trong đó từ giao nguyên xuống cột nhì là kèo chuyền lưỡng đoạn, còn từ cột nhì đến cột ba là liên kết bằng rường. Cách bố trí này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa nâng cao độ bền vững cho công trình.

Theo đại diện Bảo tàng Đà Nẵng, đình làng An Ngãi Đông là trung tâm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng dân cư. Đây là nơi hội tụ và phản chiếu các sắc thái văn hóa truyền thống của nhân dân An Ngãi Đông, là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng và niềm tự hào về cội nguồn.

Vào các dịp lễ trọng như Tế Xuân, Tế Thu, Kỳ An, đình làng không chỉ diễn ra các nghi lễ tế tự trang nghiêm mà còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mang tính cộng đồng, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh: việc trùng tu và bàn giao di tích không chỉ nhằm bảo tồn một công trình văn hóa quý giá mà còn là bước đi quan trọng trong chiến lược phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phục vụ công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần thúc đẩy du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Sau khi tiếp nhận, UBND phường Hòa Khánh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp bảo vệ di tích, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời tổ chức các hoạt động lễ hội, cúng tế, sinh hoạt văn hóa thường niên nhằm đưa đình làng An Ngãi Đông trở thành không gian sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa tiêu biểu của địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo địa phương khẳng định quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, đưa đình làng trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của Đà Nẵng nói chung và quận Liên Chiểu nói riêng.

Củng cố bộ máy lãnh đạo phường Hòa Khánh

Cũng trong ngày 4/7, phường Hòa Khánh tổ chức Hội nghị công bố bộ máy và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ mới. Theo đó: Ông Nguyễn Hà Bắc giữ chức Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường. Ông Dương Hiển Tuấn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy phường. Ông Huỳnh Anh Vũ giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường. Ông Ngô Tiến Dũng giữ chức Phó Chủ tịch HĐND phường. Ông Đặng Ngọc Tuấn và bà Dương Thị Thanh Thủy giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường.

Việc kiện toàn bộ máy nhân sự sẽ là tiền đề quan trọng để phường Hòa Khánh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa - lịch sử của địa phương.

Q. Thân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/da-nang-phat-huy-gia-tri-van-hoa-lich-su-di-tich-dinh-lang-an-ngai-dong-a29377.html