Sẽ sớm cập nhật thông tin di sản văn hóa

Nhằm cập nhật thông tin về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể theo địa giới hành chính mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, điều chỉnh để thuận tiện trong công tác quản lý, cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kho tàng di sản văn hóa đa dạng

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (nghệ thuật hô hát bài chòi, nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật làm gốm của người Chăm); 3 di tích quốc gia đặc biệt (Tháp Bà Pô Nagar, Tháp Pô Klong Garai, Tháp Hòa Lai); 5 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại địa phương (bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn, bia Hòa Lai, phù điêu Vua Pô Rômê, bia Phước Thiện, tượng Vua Pô Klong Garai); 28 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; 11 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 235 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có kho tàng văn học nghệ thuật dân gian chứa đựng tri thức, giá trị to lớn của người dân trong suốt chiều dài lịch sử.

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Thái Huy

Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Thái Huy

Những thống kê nêu trên cho thấy sự đa dạng của các di tích, danh thắng, di sản văn hóa của vùng đất Khánh Hòa. Ở đó, có những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng người Chăm, đồng bào Raglai, người Kinh; không gian hiện hữu các di sản văn hóa cũng trải đều từ đồng bằng đến miền núi, từ hải đảo đến cao nguyên; loại hình các di sản cũng có sự phong phú từ di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng đến các cổ vật, từ nghệ thuật diễn xướng dân gian đến nghề truyền thống, từ lễ hội truyền thống đến nghệ thuật kiến trúc… Tất cả tạo nên bề dày trầm tích văn hóa của vùng đất, con người Khánh Hòa với những bản sắc, nét đẹp, giá trị riêng có.

Kho tàng di sản văn hóa đó chính là một trong những nguồn lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Trung ương và các địa phương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Số lượng lớn các di tích, danh thắng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh là niềm tự hào của người dân địa phương, nhưng cũng đặt ra những thử thách đối với công tác quản lý. Kho tàng di sản văn hóa đa dạng đòi hỏi các cơ quan chức năng cấp tỉnh, chính quyền địa phương cấp xã cần có sự sâu sát, nắm bắt kỹ lưỡng hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền, địa giới hành chính cũng đòi hỏi những người làm công tác quản lý di sản văn hóa cần nhanh chóng cập nhật thông tin địa chỉ, chủ thể quản lý, hiện trạng… để thuận tiện trong việc tìm hiểu, quảng bá di sản văn hóa.

Sẽ rà soát, điều chỉnh

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn một số nội dung liên quan đến di sản văn hóa gửi các địa phương. Qua công tác rà soát, kiểm tra, về cơ bản các di tích trên địa bàn vẫn giữ nguyên tên gọi như thời điểm được công nhận, xếp hạng. Sắp tới, sở sẽ tiến hành rà soát để bổ sung, cập nhật địa danh gắn với di tích theo đơn vị hành chính mới…

Đồng bào Chăm tham gia Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar năm 2025.

Đồng bào Chăm tham gia Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar năm 2025.

Trong đợt rà soát mới nhất của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã ghi nhận 139 bộ hồ sơ khoa học di tích, 2 nội dung khoa học là biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đang lưu trữ tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện (cũ); 87 bộ hồ sơ khoa học di tích đang lưu trữ tại UBND cấp xã (cũ); 129 bộ hồ sơ khoa học di tích đang lưu trữ tại các ban quản lý di tích ở địa phương. Đối với các di tích, di sản văn hóa quốc gia đều do cơ quan chức năng cấp tỉnh quản lý nên sẽ tiến hành cập nhật địa danh mới gắn với di tích, di sản văn hóa…

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở các quy định, hướng dẫn mới về di sản văn hóa, sở đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh hoàn thiện, bổ sung các hồ sơ khoa học di tích để bàn giao cho các xã, phường, đặc khu sau khi bộ máy chính quyền địa phương mới đi vào hoạt động ổn định. Qua đó, nhằm tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh. Ngày 1-7, Luật Di sản văn hóa năm 2024 có hiệu lực thi hành, nên sau khi có các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh phối hợp với các xã, phường, đặc khu tiến hành công tác kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh theo quy định.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202507/se-som-cap-nhat-thong-tin-di-san-van-hoa-9c376c4/