Đà Nẵng quyết tâm bứt phá để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước

Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thành ủy Đà Nẵng xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đã đưa ra các chỉ tiêu bằng hoặc cao hơn các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 57.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh Ngô Anh Văn

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh Ngô Anh Văn

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết trong giai đoạn 2021-2024 thành phố đạt những kết nổi bật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và có đóng góp rõ nét vào sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự chuyển hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và tập trung vào sự phát triển của doanh nghiệp. Thành phố đã xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Trung ương phù hợp với đặc thù của địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÀM NỀN TẢNG ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Trong giai đoạn 2021-2024, thành phố đã ban hành 59 văn bản, cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó có các văn bản quan trọng như: Chương trình số 35-CTr/TU ngày 16/12/2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 về triển khai thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”…

Đồng thời, thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo và hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Festival Thanh niên chuyển đổi số do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Ảnh Ngô Anh Văn

Festival Thanh niên chuyển đổi số do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức. Ảnh Ngô Anh Văn

Đặc biệt, Đà Nẵng đã đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, tập trung vào 04 nhóm chính sách gồm: Chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Chính sách hỗ trợ phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; Chính sách quy định về thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; Chính sách quy định việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo.

Các chính sách trên đã được Hội đồng nhân dân thành phố ban hành thành các Nghị quyết cụ thể để triển khai, có hiệu lực thi hành vào tháng 01/2025.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, các chính sách do thành phố ban hành chính là những nội dung quy định mang tính đột phá, chưa có tiền lệ, được thiết kế đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận và có nhiều phương án cho doanh nghiệp lựa chọn, nhằm giải quyết vướng mắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay.

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TÂNG

Đà Nẵng luôn coi trọng công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm nâng cao năng lực, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước và mở rộng phát triển dịch vụ công về KH&CN. Điển hình như Đề án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; các dự án xây dựng mới, cải tạo trụ sở các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập; đang gấp rút thực hiện triển khai dự án Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng; đầu tư phát triển Khu công nghệ cao theo Đề án Tổng thể phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030; đầu tư hoàn thiện và nghiên cứu quy hoạch mở rộng các khu công nghệ thông tin tập trung...

Nhờ đó, đến nay, ngoài Khu Công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng bao gồm Công viên phần mềm số 1 và Khu Công viên phần mềm số 2, Đà Nẵng còn có 03 Khu Công nghệ thông tin đang thực hiện chủ trương đầu tư là Dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ; Dự án Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay và Tòa nhà Viettel Đà Nẵng.

Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 vừa khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh Ngô Anh Văn

Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2 vừa khánh thành đưa vào sử dụng. Ảnh Ngô Anh Văn

Bên cạnh đó, thành phố đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Từ năm 2021 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện tổng cộng 105 nhiệm vụ KH&CN các cấp với tổng kinh phí đầu tư gần 140 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ thành phố là 107 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương là 11 tỷ và kinh phí từ các nguồn khác là 22 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng cho rằng các kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ xây dựng các cơ chế, chính sách, hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển thành phố; đồng thời hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nghiên cứu cung cấp cơ sở dữ liệu, giải pháp phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

ĐIỂM SÁNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ, XÂY DỰNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp”“Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số” là 02 trong 05 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố và cần ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển; đồng thời đặt ra mục tiêu “Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.

Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết đến nay chuyển đổi số ở Đà Nẵng đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng trong hành trình phát triển của thành phố. Năm 2023, kinh tế số đóng góp 20,96% GRDP (bằng 125% trung bình toàn quốc là 16,5%); năm 2024 là 22% GRDP (trung bình toàn quốc là 18,3%); nhân lực công nghệ số trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố là 7,7%, gấp gần 3 lần trung bình toàn quốc là 2,7%. Hiện Đà Nẵng có 2,35 doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân (gấp 3 lần trung bình toàn quồc là gần 0,8). Doanh nghiệp công nghệ số TP. Đà Nẵng làm chủ công nghệ, có nhiều sản phẩm đạt giải Make In Việt Nam, Sao Khuê... và cung cấp tại các tỉnh thành và cho cả thị trường Mỹ, Châu Âu, Châu Á.

Về chính quyền số, năm 2024 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của thành phố Đà Nẵng cao nhất cả nước, với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là gần 60% (trung bình tỉnh thành là 18%). Đà Nẵng được chọn là địa phương tổ chức Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để chia sẻ kinh nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn quốc.

Đến nay, Đà Nẵng có gần 50% người dân trưởng thành có tài khoản công dân số, kho dữ liệu số; người dân sử dụng tài khoản VNeID trong sử dụng dịch vụ công; 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh; Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng gấp 5 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên. Hiện nay, Đà Nẵng đã ban hành và đang triển khai Khung năng lực số cho Công dân để mỗi người dân là 01 công dân số, tham gia chủ động, hiệu quả và an toàn trong các hoạt động trên môi trường số.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường (đứng giữa hàng sau cùng) nhận giải thưởng địa phương Chuyển đổi số xuất sắc năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường (đứng giữa hàng sau cùng) nhận giải thưởng địa phương Chuyển đổi số xuất sắc năm 2024.

Năm 2024 đánh dấu 14 năm liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số Vietnam ICT Index khối các tỉnh, thành phố; Năm thứ 03 liên tiếp đến nay xếp hạng Nhất chuyển đổi số cấp tỉnh DTI; đặc biệt Đà Nẵng là địa phương duy nhất tại Việt Nam 05 năm liền được trao giải thưởng Thành phố thông minh xuất sắc, minh chứng cho những thành tựu vượt trội trong quá trình chuyển đổi số.

Những kết quả này làm nền tảng vững chắc, mở ra thêm nhiều không gian phát triển mới cho Đà Nẵng. Năm 2024, Thành phố bắt đầu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, đón đầu xu hướng công nghệ mới của thế giới.

NHIỀU CHỈ TIÊU CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 57-NQ/TW

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết mục tiêu của thành phố đến năm 2030 đề ra 34 chỉ tiêu cụ thể, trong đó có 15 chỉ tiêu bám sát theo Nghị quyết 57, có 03 chỉ tiêu đề xuất vượt so với Nghị quyết số 57-NQ/TW do các chỉ tiêu này hiện nay đã ở mức tiệm cận chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Cụ thể là: Quy mô kinh tế số đạt 35-40% GRDP toàn thành phố (Nghị quyết số 57-NQ/TW là 30) do thực tế hiện nay của Đà Nẵng đã là 22%; Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, toàn trình của người dân và doanh nghiệp đạt tối thiểu 85% (Nghị quyết số 57-NQ/TW là 80%) do thực tế hiện nay của Đà Nẵng đã là 60%; Giao dịch không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 90% (Nghị quyết số 57-NQ/TW là 80%) do thực tế hiện nay của Đà Nẵng đã là 50%).

Đáng chú ý, có 19/34 chỉ tiêu Đà Nẵng xây dựng dựa trên đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số tại địa phương.

Trong thời gian qua hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Chinh, thành phố cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao; hạ tầng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa đảm bảo chất lượng; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư ngân sách cho khoa học và công nghệ chưa đủ mạnh; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đã hình thành và phát triển nhưng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn khiêm tốn... Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW Đà Nẵng cần phải quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, đồng bộ, hiệu quả theo Chương trình hành động đã đề ra.

Ngô Anh Văn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/da-nang-quyet-tam-but-pha-de-tro-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-hang-dau-cua-ca-nuoc.htm