Đà Nẵng sẽ khởi công những dự án lớn, tổng vốn trên 100.000 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm

TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bến Tre và nhiều địa phương đều đặt quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh hàng loạt dự án trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng, ý kiến phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 21/2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu từ điểm cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu từ điểm cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: VGP

TP Đà Nẵng chuẩn bị khởi công loạt dự án lớn

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2024 với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,51%, Đà Nẵng đã thống nhất mục tiêu phấn đấu tăng trưởng năm 2025 trên 10%.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ông Lê Trung Chinh cho biết, TP Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án và các doanh nghiệp tạo điều kiện cho các dự án sớm được triển khai trong năm, tăng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn.

Phấn đấu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 50.000 tỷ đồng (năm 2024 là 33.000 tỷ đồng), trong đó, vốn khu vực Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng, vốn tư nhân khoảng 40.000 tỷ đồng.

Cụ thể, thành phố đang chủ động tháo gỡ những nội dung thuộc thẩm quyền để khơi thông nguồn lực. Dự kiến, trong quý I, II/2025 sẽ có những dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng trên 100.000 tỷ đồng và nhiều dự án trong số 1.340 dự án theo Nghị quyết số 170/2024 của Quốc hội sẽ được tháo gỡ và được đưa vào đầu tư.

Sân vận động Chi Lăng sẽ được hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng trước 30/4, đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025. Đối với đoạn Cao tốc qua Đà Nẵng, đã tháo gỡ xong các vướng mắc và sẽ hoàn thành thông xe trong tháng 8. Thành phố cũng đang tiếp tục rà soát, đề xuất tháo gỡ tiếp một số dự án lớn như phần diện tích 181ha, 29 ha tại khu vực lấn biển Thuận Phước.

Đồng thời, Đà Nẵng tập trung xây dựng và tổ chức các sự kiện và hoạt động thu hút khách du lịch ngay từ quý I/2025, thu hút tăng trưởng thị trường khách nội địa... Phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 12 triệu lượt, tăng 9,5-10% so với năm 2024.

Đầu tư đưa vào hoạt động thêm ba Khu công nghiệp mới với quy mô khoảng 745ha và hai cụm công nghiệp với quy mô khoảng 90ha. Thu hút có hiệu quả các doanh nghiệp, các dự án lớn có tính lan tỏa cao vào các khu công nghiệp công nghệ cao. Đà Nẵng phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11-12% so với năm 2024.

Cũng theo Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh, thành phố cũng chủ động xây dựng và triển khai không gian đổi mới, sáng tạo, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,... Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế.

"Thành phố cũng đang chủ động, tích cực triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng không gian đổi mới sáng tạo và khởi công trong năm nay. Tập trung sửa đổi các Nghị quyết về thu hút nhân tài, đầu tư các phòng thí nghiệm; đẩy nhanh công tác chuyển đổi số...," ông Lê Trung Chinh nói.

Đồng thời, Đà Nẵng cũng phấn đấu đảm bảo mục tiêu kết quả giải ngân kế hoạch vốn đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu rút ngắn thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Bến cảng Liên Chiểu, phấn đấu sớm khởi công xây dựng công trình trong năm 2025.

Đặc biệt, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 2025 là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Khu đô thị mới Thuận Phước ở TP Đà Nẵng

Khu đô thị mới Thuận Phước ở TP Đà Nẵng

Quảng Ngãi: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng trưởng của năm 2025 là 8,5%, giao chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể cho các Sở, ban, ngành triển khai.

Để đạt mục tiêu này, Quảng Ngãi đang khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện các giải pháp chủ yếu mà Thủ tướng đã nêu ra trong chương trình làm việc của Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh vào ngày 9/2.

Quảng Ngãi xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trọng tâm, động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025. Tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có nhà đầu tư mở rộng sản xuất để có nguồn thu lớn hơn trong năm 2025.

"Quảng Ngãi tập trung vào công nghiệp với một số ngành chủ lực, với mục tiêu lọc hóa dầu đạt 7 triệu tấn; tăng sản lượng của nhà máy thép Hòa Phát lên 7,1 triệu tấn. Đồng thời, tiếp tục giữ vững giá trị tăng trưởng các ngành, lĩnh vực khác như khu vực dịch vụ, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản…," ông Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Đặc biệt, Quảng Ngãi quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tập trung phấn đấu thu ngân sách Nhà nước vượt mức mà kế hoạch đặt ra. Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ hai đề án tầm cỡ quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và Trung tâm du lịch tại đảo Lý Sơn.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP

Bến Tre: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100%

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam chia sẻ, Bến Tre thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên và xác định một số giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai.

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, Bến Tre sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Trong đó, đặt mục tiêu hoàn thành cầu Rạch Miễu 2 vào dịp 2/9/2025; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre và các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, kết nối Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.

Bến Tre đã xác định chiến lược phát triển hướng Đông, tập trung khai thác tiềm năng kinh tế biển và hạ tầng ven biển. Tỉnh tập trung khai thác hiệu quả các mỏ cát trên địa bàn, trong đó có các mỏ phục vụ cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, nguồn cát này sẽ được sử dụng để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ hai, tỉnh đang triển khai là đẩy nhanh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng liên kết và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển ngành dừa hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị xuất khẩu, đưa thương hiệu dừa Bến Tre vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Tỉnh cũng đang tập trung phát triển 5.200 ha tôm công nghệ cao, xem đây là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Trong năm 2025, tỉnh Bến Tre xác định đột phá trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đạt khoảng 18%.

Thứ ba, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường thương mại, bao gồm cả thương mại nội địa và thương mại điện tử. Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để mở rộng kênh phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại nhằm tối ưu hóa hoạt động mua bán và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Thứ năm, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy thương mại, đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế với các địa phương lân cận. Khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển nền kinh tế địa phương.

Đặc biệt, Bến Tre xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Bến Tre kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với TP HCM. Đồng thời, cây dựng các cây cầu liên tỉnh nhằm hình thành hành lang kinh tế quan trọng, giúp thúc đẩy giao thương, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các tỉnh ven biển phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/da-nang-se-khoi-cong-nhung-du-an-lon-tong-von-tren-100000-ty-dong-trong-2-quy-dau-nam-38511.html