Đà Nẵng tăng cường phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Cục Quản lý thị trường và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng vừa tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố.
Đây là hoạt động triển khai nội dung Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TCQLTT-BTLBĐBP ngày 29/5/2019 giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Căn cứ trên Quy chế phối hợp, Cục Quản lý thị trường và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng đã phối hợp xây dựng và hoàn chỉnh Quy chế phối hợp theo đặc điểm riêng của địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, ngoài phối hợp tham mưu cho Tổng Cục QLTT và Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 2 bên sẽ trao đổi thông tin về hình hiện liên quan đến các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến địa bàn trọng điểm, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng; mỗi bên sẽ kịp thời cập nhật những chủ trương, chính sách mới của ngành mình cho bên còn lại, nhất là liên quan đến quản lý biên giới, chính sách xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa trong thành phố.
Ngoài ra, trong qua trình phối hợp công tác, nếu một trong 2 bên phát hiện hoặc nghi vấn cán bộ, công chức bên phối hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc cản trở công việc thì lãnh đạo 2 bên sẽ trực tiếp trao đổi hoặc báo cáo cấp trên xử lý.
Trước đó, nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu trên địa bàn thành phố, ngày 18/9, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Truy trách nhiệm người đứng cầu cơ quan, đơn vị nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra nghiêm trọng, hoặc có cán bộ, công chức viên chức tiêu cực, tham nhũng. Tập trung nắm bắt phân tích địa bàn để chủ động đưa ra giải pháp phòng chống. Trong đó, Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận nhãn mác “Made in Viet Nam” và các hành vi gian lận thương mại khác. Công an thành phố nắm địa bàn để triệt phá các điểm tập kết hàng lậu, hàng giả; Cục Hải quan thành phố “siết” kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng xách tay, mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ, trị giá; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng nắm và xử lý các hành vi buôn lậu, tàng trữ và vận chuyển hàng cấm ở khu vực cảng biển, bến bãi tàu thuyền; Cục thuế tăng cường chống thất thu thuế, trốn thuế; UBND các quận, huyện chủ động phối hợp với các bên theo địa bàn.
Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng đến vai trò của người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, chung tay cùng các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố.